Bái phục!

TP - Nhiều sinh viên đang du học tiếng Việt tại các trường đại học xứ ta cứ vò đầu bứt tai: Quái! Cái thứ ngôn ngữ sao nó biến hóa, ảo diệu lạ lùng. Chỉ là động tác bỏ thức ăn vào mồm thôi sao mà lắm kiểu: Ăn, chén, nhậu, hốc, tọng, đớp, xực…

Lại nữa, mô tả sự dịch chuyển thôi mà lắm sắc thái. Hết lui, đến biến, hết phắn lại lượn, rồi lặn đến chuồn, thêm luôn cả té…

Ôi đến vã mồ hôi!

Sinh viên bản địa tặng cho câu: Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam. Sinh viên ngoại lấy làm tâm đắc cứ thế mà gật gù để cố gắng.

Học riết, học mãi rồi cũng thành dân thổ địa. Nhiều sinh viên ngoại tự nhận mình là ma xó xứ ta.

Nghe thấy lời tự nhận ngạo mạn ấy, nhiều sinh viên bản địa ôm bụng cười nắc nẻ.

Thấy cười, sinh viên ngoại ngạc nhiên hỏi: Tự nhận thế không đúng à? Còn có chi luyến láy, biến ảo hơn ư?

Sinh viên nội không nói gì…

Và rồi một ngày đẹp trời, mấy sinh viên nội đánh giấy mời các sinh viên ngoại tham dự một cuộc họp báo bàn về chuyện một con đường không thẳng.

Dự họp báo xong, sinh viên ngoại hoa mắt, chóng mặt lảo đảo rời khán phòng. Sinh viên nội hỏi sinh viên ngoại có nhận xét gì về buổi họp báo. Sinh viên ngoại than: Quả là chúng tôi có mắt không tròng, chả biết trời cao đất dày là gì trước sự phong phú của ngôn ngữ tiếng Việt.

Chỉ một đoạn đường không thẳng thôi mà họ dùng là: Chưa thẳng, hơi cong, cong vừa phải, cong cho phép, cong trong giới hạn, cong mềm mại, cong uyển chuyển…Bái, bái phục.