Áp lực tỷ giá

TP - Liên tiếp phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong 3 ngày qua với 3 “cú rơi” cả thảy 4,6% (giảm lần lượt 1,9%; 1,6% và 1,1% trong 3 ngày 11, 12 và 13 /8) khiến các thị trường tài chính thế giới rơi vào cơn hoảng loạn.

Không chỉ chứng khoán cả thế giới chao đảo đỏ rực, giá vàng từ rơi thê thảm ngoắt đầu vọt tăng mà cả các đồng tiền trong khu vực châu Á đều không cưỡng lại được đành theo nhau giảm giá.

Trong một phân tích, các nhà kinh tế thế giới đều cho rằng dù Trung Quốc đang giải thích việc phá giá đồng NDT thấp xuống để nhằm hỗ trợ xuất khẩu cũng như hỗ trợ tăng trưởng nhưng vẻ như họ không đơn thuần chỉ vì mục tiêu tăng trưởng, mục tiêu xuất khẩu mà còn xử lý những vấn đề liên quan vị thế của đồng NDT trong một lộ trình quốc tế hóa đồng tiền của mình.

Trung Quốc đã và đang thực hiện các biện pháp kinh tế và tiền tệ để vực dậy nền kinh tế vốn đang suy giảm. Đồng NDT thấp sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn trong khi giúp hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường xuất khẩu thế giới. NDT thấp so với USD khiến Việt Nam ảnh hưởng gì? Phân tích của giới chứng khoán đã chỉ ra: nhóm ngành gặp bất lợi là nhóm sản phẩm tiêu dùng, sắt thép, phân bón và nhóm nông lâm thủy sản, khoáng sản, cao su xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngược lại, một số ngành gia công xuất khẩu có thể được hưởng lợi do giá nguyên vật liệu đầu vào giảm như dệt may, da giầy hoặc giá nhập giảm như kinh doanh xe tải. Còn với thị trường chứng khoán, rủi ro tỷ giá đối với nhà đầu tư nước ngoài đang tăng và dòng vốn vào thị trường sẽ bị tác động trực tiếp.

Ngày 12/8, NHNN đã quyết định nới biên độ giao dịch tỷ giá từ +/- 1% lên +/- 2%. Hành động khiến hết thảy người dân, doanh nghiệp đều bất ngờ, bởi sau một loạt các tuyên bố cứng rắn, NHNN lại đưa ra một quyết định nới lỏng tỷ giá rất nhanh chóng. Quyết định này, thậm chí còn khiến cho nhiều người nghĩ rằng, đây là một sự nhượng bộ quá dễ dàng của NHNN trước những sức ép của thị trường. Tuy nhiên sâu xa, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước đều thừa nhận, việc Trung Quốc phá giá mạnh đồng tiền của họ sẽ tác động tương đối lớn đến quan hệ xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc trong đó rủi ro nhập siêu có thể tăng mạnh hơn và ngược lại xuất khẩu gặp khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc PBOC giảm giá NDT khiến cho áp lực cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc đối với hàng hóa Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu chính tăng lên.

Hiện, thâm hụt cán cân thương mại của Trung Quốc đối với Việt Nam là rất lớn (âm khoảng 17 tỷ USD). Theo các chuyên gia, Trung Quốc là một đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam, cho nên, áp lực về tỷ giá đối với NHNN từ nay đến cuối năm sẽ rất nặng nề và căng thẳng hơn so với các năm trước. Và như thế, câu chuyện tỷ giá vốn dự đoán là phức tạp ngay từ đầu năm e khó tránh khỏi sự khó tăng gấp bội lần!