Thực ra, nhiều cuộc họp suốt cả nhiệm kỳ, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phát biểu không ít câu mạnh mẽ. Tại hội nghị toàn quốc về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng nông lâm thủy sản, cuối năm ngoái, ông nói: “Nếu ngâm chuối vào thuốc diệt cỏ 2,4 D rồi cho trẻ con ăn… đó là vi phạm hành chính hay là hành vi tàn độc? Phải đấu tranh, không thể để một người đầu độc hàng triệu người, trong đó có những đứa trẻ”. Khi thịt gà nhập rẻ hơn gà trong nước, ông chỉ đạo phải làm rõ nguồn gốc thịt gà nhập. Tại hội nghị ngành chăn nuôi, ông cũng chỉ đạo: Phải tận dụng giống, công nghệ tốt nhất của nước ngoài để tăng tính cạnh tranh với quốc tế. Họp tháo gỡ khó khăn về xuất khẩu, Bộ trưởng NN&PTNT nói: “Không thể ngồi một chỗ để chờ giá tăng được” và rồi sẵn sàng khăn gói đi xúc tiến thương mại… “Phải”, vậy ai phải làm?
Việt Nam lúc nào cũng tự hào xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng giá trị hằng năm cũng chỉ khoảng 3 tỷ USD. Trong khi có năm nhập khẩu nông sản lên tới 4 tỷ USD. Xuất khẩu nhiều, giá trị thấp là do không có thương hiệu gạo tốt. Vẫn mảnh ruộng chắp vá, người nông dân một nắng hai sương thì lấy đâu ra sản phẩm chất lượng cao. Và như có lần tại hội nghị về chăn nuôi, Bộ trưởng Cao Đức Phát còn ngạc nhiên về chuyện người ta vẫn dùng con lợn “cồi” đi phối tinh từ làng nọ sang làng kia để nhân giống. Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực mà còn ngạc nhiên thì người dân hiểu sao nổi vì sao xuất khẩu gạo chỉ đạt 3 tỷ USD mà tiêu thụ bia, rượu trong nước nhiều hơn 3 tỷ USD.
Đó là Bộ trưởng Cao Đức Phát còn biết “ăn năn” (lời ông nói với báo chí chiều 3/4). Bộ Tài chính áp sai mức thuế nhập khẩu xăng dầu 3.500 tỷ đồng, báo chí và người dân “truy” mãi mới thừa nhận, nhưng chưa thấy xin lỗi hay “ăn năn”. Việc xăng dầu giảm giá, nhưng cước vận tải không hạ dẫn tới giá cả nhiều sản phẩm, dịch vụ leo thang; chỉ khi Chính phủ lên tiếng, Bộ Tài chính mới vào cuộc…
Bộ Công Thương cử nhân viên thương vụ có mặt khắp nơi trên thế giới. Có người đưa cả vợ con sang sinh sống và học tập bao năm trời, nhưng ở nhà, nông sản ùn ứ; bộ này chỉ biết kêu gọi lòng thương của người tiêu dùng bằng cách biến trụ sở thành nơi bán dưa hấu (giúp nông dân). Kinh tế thị trường không phải là tình thương hay lòng nhân đạo. Không biết, những cán bộ vẫn cắp cặp đi đàm phán hội nhập nghĩ gì?
Rất nhiều việc làm sai hoặc làm chưa hết trách nhiệm, nhưng có mấy ai biết “ăn năn” hoặc xin lỗi công khai. Sự cúi đầu khiến người Nhật biến đất nước họ thành cường quốc.