Ăn chặn cả cùng đinh

TP - Năm hết, Tết đến, nhiều sinh viên và công nhân lao động muốn làm thêm kiếm tiền về quê, sắm sửa cho gia đình bằng việc đi bốc xếp thuê. Tuy nhiên, ở TPHCM, nhiều người dù chấp nhận làm công việc nặng nhọc và rẻ rúng này không những không nhận được tiền công mà còn bị trấn lột đủ kiểu. Phóng viên Tiền Phong đã nhập cuộc trong vai một người đi bán sức kiếm sống dịp cuối năm và chứng kiến…
Công nhân đang trên tàu ra biển bốc vác gạo tại quận 7 sáng ngày 11/1

Bài 1: Dụ làm bốc vác, lương tháng 10 triệu đồng

Theo phản ánh của nhiều lao động, họ đóng tiền làm hợp đồng từ 300 đến 400 ngàn đồng cho các công ty bốc xếp để vào làm công nhân với mức lương được quảng cáo là trên 10 triệu đồng/tháng. Trong thực tế, gần như mọi thứ trái ngược với các điều khoản của hợp đồng lao động.

bốc xếp “lương khủng” - mồi nhử quảng cáo

Từ thông tin trên tờ rơi dán đầy các trụ điện ở quận 10, 11, 12, Thủ Đức… ngày 10/1, PV gọi điện đến số điện thoại 0938538xxx gặp Quân. Anh ta nói nếu nhận làm, thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Người này hẹn sáng hôm sau đến làm hợp đồng. Sáng hôm sau, chúng tôi có mặt tại điểm hẹn, được Quân thông báo sau 5 phút sẽ có người ra đón.Tiếp đó, người đàn ông tên Hùng chạy xe ra đón đến văn phòng Công ty TNHH dịch vụ- thương mại bốc xếp Tân Đại Phát (địa chỉ 100/3B Quốc lộ 1A, KP 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12). Nói là văn phòng cho oai chứ nó chẳng khác gì một cái hộp rộng chưa đầy 10m2 tối tăm.

Công nhân nằm tại kho hàng Sacombank khi biết mình bị lừa mà không làm gì được

Tại đây, Hùng đòi CMND của tôi rồi tư vấn: “Công việc của em khá đơn giản, nếu bốc xếp khối lượng 10- 25 kg, thu nhập là 350 ngàn đồng/ngày; nếu 25- 50 kg, thu nhập sẽ là 450 ngàn đồng/ ngày. Cộng với lương thưởng, tăng ca, mỗi tháng em thu nhập hơn chục triệu vô tư”.

Rồi anh này yêu cầu đóng 300 ngàn đồng. Theo Hùng, đây là lệ phí hồ sơ, thủ tục bảo hiểm và chi phí hai bộ quần áo lao động, giày dép để mang trong quá trình làm việc, đảm bảo an toàn lao động, đồng thời cũng là tiền trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng lao động, gây tổn thất cho công ty.

Tiếp tục liên lạc với số điện thoại 0975768xxx của Công ty TNHH DV-TM Phương Dung (số 334 Quốc lộ 1A, phường Tam Bình, quận Thủ Đức) đăng trên các trang web tìm việc, chúng tôi được một người tên Hải cũng giới thiệu về công việc bốc xếp kiếm cả chục triệu/ tháng. Mọi đường đi nước bước đều y chang như Công ty Tân Đại Phát.

Dễ gì có chục triệu/tháng?

Sau khi làm hợp đồng, Hùng giới thiệu chúng tối đến quận 7 làm công nhân bốc xếp. Tại đây liên lạc với người có số điện thoại mới, chúng tôi được đưa lên hai con tàu chạy ra biển. Trên hai con tàu có 70- 80 công nhân, người lớn nhất khoảng 60 tuổi, nhỏ nhất chưa đầy 15 tuổi, đa số là dân miền Tây. Chạy khoảng 20 phút, tàu cập mạn một chiếc tàu lớn, hai bên con tàu lớn này là rất nhiều tàu nhỏ chở gạo.

Theo nhiều công nhân ở đây, lâu lâu mới có vài chuyến tàu như thế. Mấy hôm trước, mọi người hầu như thất nghiệp. “Ai làm cực nhọc, tăng ca nữa thì may ra có ngày được gần 300 ngàn đồng, chứ ốm yếu như bọn tôi thì mỗi ngày có hơn trăm ngàn thôi à”, một công nhân nói.

Sáng hôm sau, 12/1, gọi điện lại Công ty Tân Đại Phát với lý do say sóng, không làm được ngoài biển, tôi được Hùng giới thiệu về làm bốc xếp tại tổng kho Sacombank, nằm trên đường số 10, KCN Sóng Thần, TX Dĩ An, Bình Dương. Tại đây, một người tên Lộc, mặt mày bặm trợm với hình xăm con rồng trên tay thu hợp đồng lao động, CMND và 50 ngàn đồng với lý do làm thẻ ra vào công ty. Sau đó anh ta dẫn chúng tôi vào kho cùng bốc vác hàng với một nhóm

người khác.

Những bao tải loại 25 kg và 50 kg nhầy nhụa, không rõ cái gì bên trong. Chúng tôi kẹp lưng, kề cổ vác hết bao này đến bao khác lên xe mà trên người không có một thứ bảo hộ gì. Nhiều sinh viên dáng người nhỏ con, yếu ớt nhưng cũng phải ráng sức mà vác. Cứ như thế, hàng chục tấn hàng từ xe này đến xe khác được tổ chúng tôi hơn 10 người bốc liên tục.

Ở tổ chúng tôi, người làm lâu nhất cũng mới 3 ngày, còn lại hầu như là ngày đầu tiên. Tất cả những người vào làm ở đây hầu như không có bất cứ áo quần lao động, đồ bảo hộ gì như trong hợp đồng.

Thích, sinh viên một trường đại học ở TPHCM nói: “Theo nhẩm tính, công ty trả mỗi tấn bốc xếp 28 ngàn đồng, cả tổ hơn 10 người bốc cả ngày chưa được 30 tấn. Chia ra không được tới 100 ngàn chứ đừng nói gì đến 300- 400 trăm ngàn”. Đến lúc này, cả đội mới hiểu là bốc xếp ăn theo sản phẩm chứ không như lời giới thiệu ban đầu của công ty và để kiếm được 300- 400 ngàn/ngày là điều không tưởng.

Nhiều người bỏ ngang

“Kiểu này là lừa đảo rồi, làm gì có việc ngồi không, bốc mấy xe hàng thế này mà ngày 300- 400 ngàn chứ; người ta bảo đóng 300 ngàn để mua bảo hiểm, trang phục lao động, giờ không có một thứ gì, một giọt nước còn không có mà uống nữa”… sinh viên T. lên tiếng.

Đem thắc mắc hỏi tay cai tổ bốc xếp thì được câu trả lời: “Cái này tao không biết, chuyện hợp đồng tụi bay đến công ty mà hỏi, ở đây bây làm thì tao trả tiền, thế thôi!”.

Bực tức và nghĩ mình bị lừa, nhiều người bỏ về và đành chấp nhận mất không 300 ngàn đồng tiền hợp đồng lao động cùng với những ngày bốc vác không công…

Ở tờ rơi trên các trụ điện ghi tên Công ty TNHH Phương Long tuyển công nhân bốc xếp nhưng khi liên hệ làm hợp đồng thì lại là Công ty Tân Đại Phát, địa chỉ phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Dùng số điện thoại khác để liên hệ theo tờ rơi, chúng tôi lại được dẫn đến Công ty TNHH Phương Long trụ sở ngã tư An Sương, phường Tân Thới Nhất, quận 12.