Vụ việc đang gây xôn xao dư luận, xót xa thay cho một sự tắc trách lẫn lãng phí đến… chết người!
Theo giải trình của Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM, nơi tiếp nhận số thuốc viện trợ này, lỗi vẫn tại… hai chữ “quy trình” – cụm từ quá quen nhưng lại có phần thiếu thiện cảm trên công luận bởi hàm ý tiêu cực mà nó phải gánh chịu qua những vụ việc nổi cộm bấy lâu nay.
“Quy trình” kéo dài hơn 1 năm trời cho việc tiếp nhận số thuốc này có thể tóm tắt như sau: Tháng 7/2013 nhận được thư tặng thuốc Tasigna từ nhà sản xuất; 4 tháng sau (28/11/2013) bệnh viện mới có văn bản xin phép gửi Cục Quản lý Dược; 1 tháng sau (27/12/2013) nhận giấy phép lưu hành lô thuốc; mất thêm 6 tháng nữa (6/2014) để có được phê duyệt của Sở Y tế và UBND TP.
Vẫn chưa hết, đến lượt “thủ tục” Hải quan thêm 2 tháng nữa. Cuối cùng đến tận ngày 13/8/2014, số thuốc trên mới về tới kho của bệnh viện, đến lúc này thì hạn sử dụng của lô thuốc chỉ còn vẻn vẹn có 10 tháng. Hậu quả là đến tháng 8/2015, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM đã phải tiêu hủy 19.997 viên thuốc Tasigna hết hạn từ tháng 5/2015.
Đường đi của viên thuốc Tasigna viện trợ giúp cứu mạng sống cho hàng trăm bệnh nhân ung thư máu đã lập “kỷ lục” về sự zích zắc của đường đi lẫn thời gian.
Tính ra phải tới ngót một chục cơ quan phê duyệt, mỗi cơ quan “ngâm” từ 1-3 tháng, thành ra hơn một năm sau mới về tới kho bệnh viện. Ngót chục bệnh nhân không chờ được đã ra đi… trong khi 2 vạn viên không kịp dùng đã hết hạn.
Đấy mới chỉ là “quy trình” tiếp nhận thuốc viện trợ. Vẫn biết dẫu có thể biện hộ rằng “đúng quy trình” nhưng sao cảm giác xót xa cứ xộc lên đến tận óc. Và trách nhiệm thì vẫn lơ lửng chưa biết thuộc về ai. Còn biết bao “quy trình” hành dân khác vẫn đang hiện hữu ở các lĩnh vực khác?
Có thể “đúng quy trình” nhưng có điều gì đó thật vô cảm và xót xa!