Phù hợp chế độ quản lý 1 thủ trưởng
Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về Quỹ bảo trì đường bộ thay thế Nghị định 18/2012. Theo Bộ GTVT, để phù hợp với Luật phí - Lệ phí; Luật Ngân sách nhà nước, từ năm 2017, phí sử dụng đường bộ được thu hàng năm và nộp vào ngân sách nhà nước, được quản lý, sử dụng theo Luật Ngân sách. Tháng 9/2018, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý giải thể Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, nên phải sửa đổi Nghị định 18.
Tại dự thảo, Bộ GTVT đề xuất 2 phương án, là bỏ Quỹ Bảo trì đường bộ, hoặc vẫn giữ Quỹ nhưng giải thể Hội đồng quản lý và Văn phòng Quỹ. Cơ quan soạn thảo chọn phương án vẫn giữ Quỹ, để tăng nguồn lực cho bảo trì đường bộ và tổ chức lại bộ máy quản lý.
Theo đó, từ nay Bộ trưởng GTVT kiêm Chủ tịch Quỹ, với nhiệm vụ quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, quyết định giao nhiệm vụ cho các tổ chức tham mưu giúp việc để điều hành, quản lý, sử dụng Quỹ; Chủ tịch UBND tỉnh quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ địa phương. Những công việc này trước đây do Hội đồng quản lý Quỹ bảo trì đường bộ quyết định, trong đó quyết định cả số tiền phân bổ cho Quỹ trung ương và chia về Quỹ các địa phương; xây dựng tiêu chí, phương án phân chia kinh phí cho quỹ địa phương...
Bộ GTVT lý giải, sửa đổi trên nhằm phù hợp với chế độ quản lý 1 thủ trưởng, nguồn tài chính và quản lý quỹ. Đồng thời, giảm thủ tục hành chính đối với công tác quản lý, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, có tính khả thi, phù hợp với thực tiễn...
Nhiều tồn tại
Kết quả kiểm toán giai đoạn 2015-2016 của Kiểm toán Nhà nước với Quỹ bảo trì Đường bộ đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Theo đó, với Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, Tổng cục Đường bộ được giao xây dựng kế hoạch chi tiêu chính. Tuy nhiên, ở thời điểm kiểm toán, Tổng cục chưa xây dựng đủ cơ sở dữ liệu để theo dõi hệ thống cầu đường, tính thời gian, kế hoạch bảo trì. Dẫn tới giao kế hoạch vốn cho một số công trình chưa đúng mục đích của Quỹ….
Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ bảo trì Đường bộ Trung ương cho biết, thực tế các kế hoạch sử dụng, đoạn đường được đầu tư từ quỹ, đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công… do Tổng cục Đường bộ thực hiện. Sau đó kế hoạch giao vốn được gửi Hội đồng quỹ. Văn phòng Quỹ tổng hợp và gửi xin ý kiên thành viên Hội đồng cho ý kiến, quyết định.
Theo ông Minh, việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ và sắp xếp lại Văn phòng Quỹ (dự kiến sáp nhập về Tổng cục Đường bộ) do cơ chế, pháp luật thay đổi, không phải do năng lực hoạt động của bộ máy. Trước đây, việc sử dụng Quỹ trung ương được Hội đồng quyết định trên cơ sở kế hoạch bảo trì của Tổng cục Đường bộ. Còn việc phân bổ số tiền cho Quỹ bảo trì đường bộ các địa phương theo công thức của Nghị định 18. Tuy nhiên, từ năm 2017, việc phân bổ Quỹ trung ương và địa phương do Bộ Tài chính quyết định.
“Do trong thời gian chuyển đổi giữa các quy định, nên việc phân bổ Quỹ năm 2018 có phần chậm hơn các năm trước”, ông Minh nói. Chánh văn phòng Quỹ cũng khẳng định, Quỹ được công khai đầy đủ, đúng quy định trên báo của Bộ GTVT, bảng tin... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên người dân chưa nắm 1 cách đầy đủ về hoạt động của Quỹ.
Quỹ Bảo trì đường bộ hoạt động từ năm 2013, ban đầu thu cả ô tô và xe máy, nhưng sau đó do thu xe máy khó nên chỉ thực hiện thu với ô tô qua các lần đăng kiểm. Từ khi đi vào hoạt động, Quỹ liên tục tăng trưởng, từ hơn 5.435 tỷ đồng năm 2013, lên hơn 7.047 tỷ đồng năm 2017. Ngoài ra, mỗi năm ngân sách nhà nước cấp bổ sung bình quân thêm khoảng 3.000 tỷ đồng. Năm 2019, Quỹ dự kiến thu được khoảng 7.500 tỷ đồng. Trong đó, đa phần Quỹ dùng bảo trì các tuyến Quốc lộ, phần phân bổ về Quỹ địa phương chỉ khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, trong đó phân bổ chủ yếu về Hà Nội và TPHCM ( những địa phương nhiều ô tô).