Vui, buồn cùng nhà sáng chế Hai Lúa

TP - Đồng Tháp là một trong những tỉnh ở ĐBSCL đi đầu trong tái cơ cấu nông nghiệp. Các cơ quan hành chính được yêu cầu đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nông dân Nguyễn Thanh Liêm, 40 tuổi, ở ấp 3, xã Láng Biển (Tháp Mười, Đồng Tháp) đã sản xuất hàng trăm máy nông nghiệp xuất khẩu và làm chuyên gia cho nhiều nước trên thế giới nhưng ở quê nhà vẫn gặp khó khăn…  
Ông Liêm ráp máy tại nhà

Bài 1: Làm chuyên gia từ Á sang Phi

Đầu giờ chiều một ngày tháng 8, trời nắng gắt, ông Phạm Thanh Liêm đi họp ở tỉnh về, ngồi trước hiên nhà ăn cơm nguội với cá kho. Vừa ăn ông vừa trò chuyện: “Tôi mới bán máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu sang Lào. Giờ đang tập trung làm để xuất sang Campuchia”.

Ông Liêm kể, sản phẩm chính của ông là máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu, trung bình mỗi năm bán trên 100 máy, giá mỗi máy 60 triệu đồng, phần lớn xuất sang châu Phi, Lào, Campuchia. Bên cạnh, còn nhiều máy nông nghiệp khác ông cũng làm và xuất khẩu. Mới đây, tháng 3/2015, ông xuất sang Nigeria 6 máy nông nghiệp (2 máy cày, 2 máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu, 1 máy gặt đập liên hợp, 1 máy bơm nước). Năm đầu tiên xuất khẩu máy nông nghiệp là 2010, ông xuất sang Mozambique 15 máy gặt đập liên hợp, máy sạ hàng và máy kéo.

Năm 2012, ông được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích sáng chế: Thiết bị gieo hạt thành hàng. Cùng năm, máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đầu năm 2015, ông tham dự “Gặp mặt các nhà sáng chế không chuyên” tại Thủ đô Hà Nội.

Làm chuyên gia ở châu Phi

Năm 2008, ông Liêm sản xuất thành công máy sạ hàng kết hợp phun thuốc trừ sâu và bắt đầu cho máy hoạt động khắp nơi trong huyện Tháp Mười, được nông dân đánh giá chất lượng tốt. Đồng thời, ông còn cải tiến, sản xuất ra máy gặt đập liên hợp, máy cày…

Tiếng lành đồn xa, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học An Giang lúc đó và Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ bây giờ, đến tìm hiểu và mời ông tham gia dự án “Giúp nông dân châu Phi trồng lúa” với nhiệm vụ tư vấn kỹ thuật sử dụng máy nông nghiệp. “Thầy Xuân thấy tôi làm được nên đề nghị nhưng tôi bỡ ngỡ chưa dám nhận lời vì mình không có trình độ mà chuyện làm tư vấn thì để cho kỹ sư. Thầy động viên và nói cứ làm với những gì mình biết là được rồi, không cần bằng cấp gì cả nên tôi mới mạnh dạn nhận lời”, ông Liêm nhớ lại.

“Năm 2014, có đoàn quan chức Campuchia sang tận cơ sở của ông Liêm để khảo sát thực tế và mời ông sang bên đó đầu tư. Nếu làm thị trường Campuchia ngon lành sẽ mở rộng sang thị trường Lào và Thái Lan bán máy nông nghiệp độc quyền nhưng tôi không có vốn nên chịu”.         

Ông Liêm nói

Đầu năm 2010, ông cùng GS.TS Xuân sang châu Phi để tư vấn cho đối tác Mozambique về máy nông nghiệp. Ông Liêm kể, bên đó, nông dân chỉ sử dụng máy nông nghiệp của Mỹ, Trung Quốc, Nga. Cụ thể, tại dự án ông Liêm làm việc, thấy một chiếc mày cày hiệu John Deere của Mỹ to cồng kềnh, công suất 266 mã lực, nặng hơn chục tấn. Sau khi khảo sát địa hình, ông Liêm nói với phía đối tác là chiếc máy không phù hợp với thổ nhưỡng. Một kỹ sư người Hà Lan đang làm việc cho dự án phản ứng, cho rằng máy cày rất tốt. Hai bên tranh luận không phân thắng bại. Ông Liêm phân tích, địa hình đất cát pha, có nhiều đồi núi và thung lũng, chiếc máy cồng kềnh không phù hợp. Kỹ sư Hà Lan bảo vệ quan điểm cho rằng, máy của Mỹ tốt và khỏe, phù hợp nhiều địa hình.

   

Khoảng mười ngày sau, chiếc máy cày John Deere đang chạy trên đồng thì gặp trời mưa, bùn bám vào bánh không đi được, nằm ỳ một đống. Phía đối tác yêu cầu ông cải tiến chiếc máy cày John Deere, thay bánh xe cao su to tướng bằng bánh lồng của Việt Nam, nhưng ông Liêm từ chối. Ông Liêm mô tả cho ông Nuno Unige, Giám đốc Cty LAP/Ubuntu của Mozambique (đơn vị mời ông sang tư vấn), biết là chiếc máy không thích hợp ở cánh đồng, chỉ phù hợp chạy trên đường, nhưng nếu máy của Việt Nam sản xuất sẽ hoạt động được. Tức thì, ông Nuno Unige cùng 6 người bay sang Việt Nam, tới tận cơ sở của ông Liêm để tham quan và xem trình diễn ngoài đồng.

“Thời điểm đoàn của ông Nuno Unige sang là tháng 4/2013, lúa bên này đã sắp làm đòng nên tôi phải mượn miếng đất trồng sen của hàng xóm, bùn lún tới lưng quần để chạy trình diễn. Tại ruộng, ông Nuno Unige tận mắt chứng kiến chiếc máy sạ hàng của tôi lún gần hết bánh nhưng vẫn chạy bon bon và hạt lúa xuống đều. Máy gặt đập cũng chạy ngon lành, phía trước quơ cắt, hạt lúa ra phía sau; lúa sập, ngã cũng cắt được. Đứng trên bờ, ông Nuno Unige cười khoái chí, nể phục người Việt Nam”, ông Liêm nhớ lại.

Thay vì mua chiếc máy John Deere đắt tiền, ông Nuno Unige quyết định mua liền 5 máy sạ hàng, 5 máy gặt đập liên hợp của ông Liêm. Đồng thời, yêu cầu ông Liêm sang hướng dẫn nông dân kỹ thuật trồng lúa và chuyển giao công nghệ. Sau Mozambique, ông Liêm còn xuất 10 máy gặt đập liên hợp sang Sudan theo yêu cầu của ngành nông nghiệp nước này.

Sang Campuchia,Lào

Năm 2014, ông Liêm sang Campuchia 6 tháng (từ tháng 2 đến tháng 8) để hướng dẫn kỹ thuật cơ giới nông nghiệp cho nông dân. Lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức Chính phủ Campuchia dẫn ông đi khảo sát địa hình nông nghiệp nhiều nơi như Kampong Cham, Kampong Chhnang, Siem Reap, Phnom Penh. “Đất bên Campuchia rộng nhưng bạc màu, ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế, chủ yếu làm thủ công, năng suất thấp. Hơn nữa, thủy lợi chưa được đầu tư tốt để phục vụ nông nghiệp”, ông Liêm nói.

Ông Liêm (thứ 5 từ trái sang) đứng cạnh ông Nuno Unige.
Trong thời gian làm việc ở Campuchia, quan chức chính phủ mời ông đầu tư, thành lập chi nhánh làm máy nông nghiệp tại Campuchia. Đại diện chính quyền hứa cho mượn vốn trong vòng 15 năm. Đồng thời, quy hoạch 7 ha đất gần Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh để xây dựng xưởng lắp ráp. Ngoài ra, dành 2.000 ha đất nông nghiệp ở tỉnh Kampong Cham, mời ông hướng dẫn kỹ thuật cơ giới, lợi nhuận chia theo thỏa thuận. 

Nhưng ông không dám nhận. Đối tác lại đề nghị ký hợp đồng trị giá 1,4 triệu USD mỗi năm, để cung cấp máy nông nghiệp như sạ hàng, gặt đập liên hợp, máy cày, bơm… ông cũng không dám nhận. “Có đối tác đặt hàng là tín hiệu mừng, chứng tỏ sản phẩm của mình được thị trường chấp nhận, nhưng vì không có vốn đầu tư nên tôi không dám nhận”, ông Liêm giải thích.

Ông cũng đã sang Lào. Theo ông, ở Lào cũng như Campuchia đất đai rộng lớn nhưng trình độ canh tác còn hạn chế. Theo ông Liêm, điều khác biệt khi sản xuất lúa ở Campuchia và Lào là chính quyền quan tâm sản xuất lúa sạch, khuyến khích không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa học mà chủ yếu áp dụng công nghệ sinh học, không ảnh hưởng môi trường. Vì thế, Campuchia muốn đưa cơ giới tiến bộ của Việt Nam sang để tăng năng suất, hạn chế chi phí đầu tư. Cũng lời ông Liêm kể, bên Lào có ông Long là một doanh nghiệp Việt đang đầu tư sản xuất một triệu hécta lúa trên 4 tỉnh. “Ông Long muốn thay máy móc nông nghiệp lạc hậu nên đã mua máy của tôi”, ông nói.

Trong thời gian ở Campuchia, ông Liêm được ông Rết (Việt kiều Canada, kinh doanh phân bón, máy nông nghiệp) đưa sang Thái Lan khảo sát và muốn hợp tác với ông để bán máy ở thị trường Thái Lan. Ông Liêm kể, đi từ cửa khẩu Campuchia đến Bangkok khoảng 70 km, trên đường đi ông thấy máy sạ hàng mang nhãn hiệu Thanh Liêm đậu ở bên hông nhà dân. Ông Liêm yêu cầu dừng xe lại rồi bước xuống xem, quả thật máy do ông sản xuất. Ông ngỡ ngàng vì không trực tiếp bán máy sang Thái Lan, chỉ mới bán sang Lào và Campuchia. Nhưng qua chuyến đi, ông càng biết máy nông nghiệp của ông đang được sử dụng rộng rãi.

Trở lại lời đề nghị của đại diện doanh nghiệp và chính quyền Campuchia, ký hợp đồng cung cấp máy mỗi năm trị giá 1,4 triệu USD mà ông không dám nhận. Ông giải thích rõ thêm, khi ký hợp đồng thì đối tác chỉ chuyển 30% vốn, phần còn lại cơ sở của ông phải bỏ ra làm, trong khi ông không đủ vốn. “Sao ông không đặt vấn đề với lãnh đạo tỉnh để được giúp đỡ vay vốn nhằm phát triển ngành cơ khí địa phương?”, PV Tiền Phong hỏi. “Hơn 6 năm nay tôi ôm hồ sơ gõ cửa Sở NN&PTNT và  Sở KH&CN tỉnh Đồng Tháp để xin hỗ trợ vay vốn sản xuất nhưng chẳng có ai nói năng gì”, ông Liêm lắc đầu.

(Còn nữa)