Trong hoàn cảnh này, xem ra ông còn hot hơn cả Thanh Lan (trở lại sân khấu thủ đô sau 24 năm), Tuấn Ngọc hay Bằng Kiều. Nhà tổ chức kiêm MC Nguyễn Ngọc Châm vì thế đã dành cho ông tổng cộng gần 20 phút giao lưu trên sân khấu. Có lẽ vì cũng là ca sĩ, quan tâm đến bài hát, nên cô chủ yếu hỏi về hoàn cảnh ra đời các bài không tên.
Vũ Thành An vốn đã cao ráo, đĩnh đạc, mở miệng lại càng không khác linh mục trong các buổi lễ Chúa nhật ở nhà thờ. Giọng ông từ tốn, âm vang, tròn rõ. Ông không xưng “tôi” mà xưng đầy đủ họ tên hoặc tên (sau đây chúng tôi mạn phép lược thành “tôi” cho gọn). Nhiều lúc cảm giác như ông đang nói về một người khác chứ không phải chính mình. Giống như ông đã thoát tục và bây giờ nhìn lại bản thân khi còn chìm đắm trong tình trường để cho đời những tình khúc làm lung lạc nhiều thế hệ tình nhân.
Câu hát “Triệu người quen có mấy người thân/Khi lìa trần có mấy người đưa” trong Bài không tên số 4 mà nhiều người vẫn đem ra chiêm nghiệm nói về chuyện tình cảm của ông với một trong 2 xướng ngôn viên đầu tiên của đài truyền hình Sài Gòn. Cô nổi tiếng, thường xuất hiện trước công chúng trong bộ dạng vui vẻ nhưng chỉ riêng với Vũ Thành An, cô tâm sự chuyện riêng. “Mỗi khi gặp An, cô khóc rất nhiều, kể rất nhiều. Nên mới có câu Khóc cho vơi đi những nhục hình/Nói cho quên đi những tội tình, nhạc sĩ kể. Mặc dù cô đã qua một đò và có 3 con riêng, nhưng Vũ Thành An không cưỡng nổi sự quyến rũ của người đẹp có bờ môi “lúc nào cũng như muốn khóc”, nên đã hỏi cưới. Nhưng cô chỉ im lặng. Thành câu kết bài hát: “Lời anh nói sẽ còn mãi đấy/Chuyện mai sau xin gửi trên tay”.
Lời Bài không tên cuối cùng do Vũ Thành An và bạn gái cùng soạn. Chàng viết: “Yêu nhau cho nhau nụ cười/ Thương nhau cho nhau cuộc đời/ Mà đời đâu biết đợi/Để tình nhân kết đôi”. Nàng phụ họa: “Để rồi đánh mất nhau/Tay buông lơi tình mềm/Chân không theo tình bền/Chẳng giữ được nhau”. Và mọi sự xảy ra đúng như lời bài hát. Nàng giã từ chàng đi Tây Đức du học.
Ông kể tiếp về mối tình này: “Suy nghĩ về những cuộc tình cũ, mình nghĩ cô bạn này chắc là yêu mình nhất. Khi trở về gia đình sau một thời gian xa nhà, An đi tìm cô, nghĩ đó là nguồn an ủi cho mình. Tới nhà thăm gặp chị gái cô, chị nói em nó đã qua đời trong một tai nạn giao thông tại Đức cách đó 2 năm…”.
Vũ Thành An khẳng định ông không đặt tên các bài hát là vì không muốn lộ tên những người tình(!). Riêng người trong Bài không tên thứ 5 sau này trở thành vợ ông. Thuở ban đầu cứ gặp ông là bà run từ tay chân đến tiếng nói. Vì thế bài hát mới có câu: “Quấn quít vân vê tà áo/ Run run đôi môi mở chào…”. Nhạc sĩ cũng không giấu nổi niềm phấn khởi khoe với khán giả đã có cháu đích tôn.
Năm 1995, nhạc sĩ giã biệt tình trường, bỏ viết tình ca để theo đường đạo. May mà ông vẫn cho phát hành các bản nhạc tình của mình. Dường như ông cũng nhân cơ hội đó hướng mọi người đến những thông điệp sống thiện qua những sáng tác mới của ông.
“Rồi mai mình cũng sẽ già/Thân thế này sẽ tàn úa/Được thua thì cũng thế thôi/Một tiếng yêu xin trao cho nhau/Còn dăm ngày nữa vui chơi/ Hãy nhìn xem vẻ đẹp cõi đời/ Được làm người ôi diệu kỳ thay/Tạ ơn trên cho sống chốn này…”- nhạc sĩ tự mình hát những lời này trên sân khấu Cung Văn hóa Hữu Nghị. Ông kể: “Trong thời gian đi tu, tôi có chương trình để giúp đỡ người già. Tôi dùng khả năng của mình viết nhạc để vận động cho tổ chức từ thiện - nay đã được công nhận hoạt động ở Việt Nam. Bài hát này tôi làm cũng là để gợi tình thương của mọi người đối với các người lớn tuổi cô đơn. Bài hát được viết trên phi cơ từ Mỹ đi Na Uy. Đến Na Uy tôi hát bài này, trong khi có một cụ cầm cái nón đi vòng quanh khán phòng. Tôi hát xong thì cái nón đó đầy tiền. Số tiền đó đã giúp gạo cho không biết bao nhiêu cụ…”.
Vũ Thành An cho biết năm ngoái phải chăm sóc vợ (mà ông gọi là “người phối ngẫu”) bị bệnh nên không thể về Việt Nam thăm người thân. Do đó đã làm bài hát coi như lời tạm biệt gửi đến mọi người. Ông cũng kể mỗi đêm trước khi ngủ cũng đều chào vợ: “Tạm biệt nhé, ngày mai nếu không còn nữa thì thôi nhé…”. Khán giả nghe đến đoạn này thì cười, nhưng không to lắm. Nhưng rồi ông lại có dịp hát lên lời tạm biệt của chính mình: “Đã sống bảy chục năm/Vẫn thấy còn trẻ thơ/Tâm hồn ngu ngơ quá/Sống nữa vài chục năm/Có thấy được gì hơn/Xin người thương xót người/Nếu không gặp lại ở thế gian/Thì xin câu chúc bình an cho đời/Hãy vui từ ngày còn nhau/ Một hơi thở cũng là ơn cao vời…”.
Năm 1995, nhạc sĩ giã biệt tình trường, bỏ viết tình ca để theo đường đạo. May mà ông vẫn cho phát hành các bản nhạc tình của mình. Dường như ông cũng nhân cơ hội đó hướng mọi người đến những thông điệp sống thiện qua những sáng tác mới của ông.