Vụ nổ văn phòng liên lạc liên Triều được 'dự báo' từ 3 năm trước?

TPO - Dân mạng xôn xao sau khi phát hiện vụ nổ văn phòng liên lạc liên Triều đã được "dự báo" từ 3 năm trước thông qua một bộ phim chiếu rạp.

Ở thời điểm hiện tại, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang “leo thang”. Nhất là sau vụ Bình Nhưỡng cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaesong vào chiều ngày 16/6 (giờ địa phương).

Trong lúc chính quyền Hàn Quốc đã tính đến khả năng xảy ra đụng độ gần khu vực biên giới, cư dân mạng tại đây phát hiện ra một sự trùng hợp không thể tin nổi giữa sự kiện thực tế và một bộ phim chiếu rạp cách đây 3 năm.

Cụ thể, vụ nổ văn phòng liên lạc liên Triều từng xuất hiện trong bộ phim "Steel Rain” (tạm dịch: Cơn mưa thép) ra rạp vào tháng 12/2017.

Poster "Steel Rain".

“Steel Rain” là tác phẩm điện ảnh hành động, giật gân, chính trị của Hàn Quốc, do Yang Woo Suk đạo diễn, dựa trên webtoon cùng tên năm 2011 của ông. Phim đặt giả thiết một tướng quân đội tổ chức đảo chính ở Triều Tiên và âm mưu sử dụng bom hạt nhân để tấn công Hàn Quốc. Vì lý do này, một đặc vụ Triều Tiên (Jung Woo Sung thủ vai) và một chuyên gia phân tích chính trị của Hàn Quốc (Kwak Do Won thủ vai) hợp tác với nhau để ngăn chặn đụng độ vũ trang tái diễn giữa hai miền. Cả hai nhân vật này đều có tên là Cheol Woo.

Phim tập trung vào vụ tấn công phục kích nhà lãnh đạo Triều Tiên khi ông đến khu công nghiệp chung Kaesong để dự một sự kiện. Trong phim, các chỉ huy quân đội Bình Nhưỡng đã chiếm quyền điều khiển một hệ thống pháo binh của Quân đội Mỹ ở Hàn Quốc, tàn phá khu công nghiệp chung.

Hình ảnh về vụ nổ khu công nghiệp chung Kaesong trong "Steel Rain".

Sau khi tin tức về việc phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều được công bố, người hâm mộ của “Steel Rain” đã bàn luận rôm rả trên mạng xã hội. Trùng hợp hơn nữa, poster và đoạn giới thiệu cho “Steel Rain 2: Summit” chính thức phát hành vào đúng ngày 16/6, chỉ vài giờ trước khi Triều Tiên phá hủy văn phòng liên lạc với Hàn Quốc.

“Ngay khi Steel Rain 2 đang chuẩn bị ra rạp ư?”, “Âm thanh từ vụ nổ ở Kaesong? Tôi vừa xem ‘Steel Rain’ ngày hôm qua. Đó là bộ phim chính xác về mặt lịch sử”… là những bình luận thể hiện sự sửng sốt của dân mạng trước sự trùng hợp giữa đời thực và phim ảnh. Một người thậm chí chụp ảnh màn hình về vụ nổ trên bản tin và chú thích: “Ảnh tĩnh bị rò rỉ của Steel Rain 2”.

Ảnh về vụ nổ thực tế được dân mạng đùa là cảnh rò rỉ từ "Steel Rain 2".

“Steel Rain” được nhận định có ý tưởng, nhưng thực tế là không được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Phim bị chê cách phát triển câu chuyện hời hợt và gượng ép, những chi tiết liên quan đến Triều Tiên còn ngây ngô, hơi ngớ ngẩn.

Tuy vậy, thành tích phòng vé lại vô cùng “đáng nể”. Phim thu hút tổng cộng 4,45 triệu khán giả, thu về 32,6 triệu USD (gần 39,6 tỷ won), trong khi kinh phí bỏ ra là 15,7 tỷ won.

Theo Theo Yonhap