Đó là khẳng định của ông Lê Hải Bình, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong cuộc họp báo chiều 7/8 để trả lời câu hỏi của báo giới về hoạt động của đoàn Việt Nam tại các hội nghị, diễn đàn quan trọng của ASEAN đang diễn ra ở Myanmar.
Trung Quốc vẫn trì hoãn hợp tác cùng ASEAN ký kết Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Việt Nam sẽ có những đề xuất gì để thúc đẩy ký kết COC tại ARF lần này? Đầu tháng 8, gần 9.000 tàu cá Trung Quốc đã trở lại biển Đông sau lệnh cấm đánh bắt của chính quyền Trung Quốc. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam?
Ông Lê Hải Bình: Tại ARF lần này, Việt Nam sẽ có những đóng góp thiết thực vào việc tăng cường vai trò của ARF trong đối thoại và hợp tác xây dựng lòng tin ở khu vực, đẩy mạnh các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, đồng thời tăng cường hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống trên cơ sở các nguyên tắc cũng như các thể thức đã được thỏa thuận.
Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của ASEAN cần sớm có COC nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông. Các bên cần quyết tâm và nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy và tham vấn nhằm sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử này. Quan điểm nhất quán của Việt Nam là mọi hoạt động của các bên ở biển Đông phải tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển.
Xin ông cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc sẽ điều tàu khảo sát dầu khí nước sâu Hải Dương Thạch Du 721 để khảo sát địa chất, tìm nguồn dầu khí ở biển Đông và việc Trung Quốc đo đạc thực địa tại 5 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa nhằm phục vụ việc xây dựng hải đăng?
Mọi hoạt động của các bên ở biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển. Chúng tôi đang tích cực xác minh thông tin này. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do vậy, mọi hành động của Trung Quốc ở hai quần đảo này đều là bất hợp pháp và vô giá trị.
Về chuyến thăm của Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain đến Việt Nam, liệu vấn đề dỡ bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam có được đề cập hay không?
Theo thông tin chúng tôi có được, từ ngày 7 đến 10/8, Thượng nghị sĩ John McCain và Sheldon Whitehouse sẽ cùng các cố vấn và trợ lý thăm và làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm nhằm mục đích trao đổi vấn đề trong quan hệ song phương, cũng như vấn đề của khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Phối hợp với Philippines, Thái Lan sơ tán công dân
Đến nay đã có bao nhiêu lao động Việt Nam tại Libya được sơ tán? Vietnam Airlines cho biết sẽ có chuyến bay đưa 724 lao động về nước trước ngày 12/8. Ông có thể xác minh thông tin này?
Tính đến ngày 7/8, tổng số 246 lao động Việt Nam đã rời khỏi Libya. Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria đang phối hợp chặt chẽ với các công ty phái cử và sử dụng người lao động triển khai tích cực các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn cho các lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya.
Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm gửi Đại sứ quán Philippines và Thái Lan tại Việt Nam đề nghị hai nước này phối hợp, hỗ trợ đưa công dân Việt Nam ra khỏi các khu vực nguy hiểm. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Algeria đã làm việc tích cực với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị các nước tạo điều kiện thuận lợi để các lao động Việt Nam quá cảnh về nước. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức các đợt đưa lao động Việt Nam về nước bằng đường hàng không.
Xin ông cho biết tình hình của bà con người Việt tại tỉnh Donetsk, nơi đang bị quân đội Ukraine tấn công?
Ngay từ khi tình hình ở Ukraine có diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine liên hệ và quản lý cũng như có hình thức liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại Ukraine, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng Ukraine đảm bảo an toàn cho người Việt tại Ukraine. Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine vẫn duy trì mọi nỗ lực của mình trong công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình miền Đông Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.
Về tình hình Israel - Palestine sau khi có thỏa thuận ngừng bắn mới, ông Lê Hải Bình tuyên bố: Việt Nam lên án các hành động quân sự vào các trường học của Liên Hợp Quốc tại Dải Gaza gây thương vong cho thường dân và nhân viên Liên Hợp Quốc. Việt Nam hoan nghênh và kêu gọi các bên liên quan tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được, tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm sớm đem lại hòa bình và ổn định ở khu vực.