Hoạt động của Trung Quốc ở Hoàng Sa là 'bất hợp pháp và vô giá trị'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình
Trả lời câu hỏi về thông tin cho rằng Trung Quốc khảo sát 5 đảo thuộc Hoàng Sa để xây dựng các ngọn hải đăng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định mọi hoạt động của Trung Quốc ở đây đều là "bất hợp pháp và vô giá trị".

Chiều nay (7/8), Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo thường kỳ. Những vấn đề liên quan đến Biển Đông, tình hình người Việt tại Libya tiếp tục nhận được sự quan tâm của phóng viên.

Trước câu hỏi về thông tin cho rằng Trung Quốc khảo sát 5 đảo thuộc Hoàng Sa để xây dựng các ngọn hải đăng tại đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, phía Việt Nam đang tích cực xác minh thông tin này.

“Như chúng tôi đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do vậy mọi hành động của Trung Quốc ở hai quần đảo này đều là bất hợp pháp và vô giá trị,” ông nhấn mạnh.

Trước đó, theo trang mạng news.sina.com, Trung Quốc đã khảo sát đo đạc thực địa xong tại 5 đảo Đá Bắc, Đá Hải Sâm, đảo Duy Mộng, Cồn Cát Nam, Hòn Tháp thuộc quần đảo Hoàng Sa nhằm phục vụ cho công tác lựa chọn địa điểm xây dựng các ngọn hải đăng. Hoạt động khảo sát diễn ra từ 27/7-4/8.

Đã có 246 lao động Việt Nam tại Libya được đưa về nước

Phóng viên đặt câu hỏi về tình hình người Việt tại tỉnh miền Đông Donetsk, nơi đang bị quân đội Ukraine tấn công, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho hay: Ngay từ khi tình hình ở Ukraine có diễn biến phức tạp, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ đạo Đại Sứ quán Việt Nam tại Ukraine liên hệ và quản lý cũng như có hình thức liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt tại Ukraine, đồng thời cũng đề nghị cơ quan chức năng Ukraine đảm bảo an toàn cho người Việt tại Ukraine.

Cho đến nay Đại sứ quán VN tại Ukraine vẫn duy trì mọi nỗ lực của mình trong công tác bảo hộ công dân, đặc biệt là trong bối cảnh trong tình hình miền Đông Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.

Về tình hình lao động Việt Nam tại Libya, ông Lê Hải Bình cho biết: Tính đến ngày 07/8/2014, số lao động Việt Nam đã rời khỏi Libya là 246 người.

Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Libya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Angeria đang phối hợp chặt chẽ với các công ty phái cử và sử dụng người lao động triển khai tích cực các phương án, biện pháp bảo đảm an toàn cho các lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya.

Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã có công hàm gửi Đại sứ quán Phillipines và Thái Lan tại Việt Nam đề nghị hai nước này phối hợp, hỗ trợ đưa công dân Việt Nam ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Angeria đã làm việc tích cực với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị các nước tạo điều kiện thuận lợi để các lao động Việt Nam quá cảnh về nước. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức các đợt đưa lao động Việt Nam về nước bằng đường hàng không”.

Sắp tới sẽ có những đợt đưa lao động Việt Nam tại Libya về nước qua đường hàng không.

Trước câu hỏi về việc liệu Việt Nam có xem xét lại việc đưa lao động sang các thị trường nhạy cảm như Lybia và Ai Cập hay không, ông Lê Hải Bình cho biết: “Việc đưa người lao động VN ra nước ngoài làm việc dựa trên nhu cầu lao động, năng lực của thị trường và thực tế của thị trường.”

Theo Nam Hằng

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG