Điều Trung Quốc quan tâm nhất trong vụ kiện ra tòa trọng tài mà Philippines đệ đơn chính là tính hợp pháp của cái gọi là “đường 9 đoạn” mập mờ và “liếm” gần trọn biển Đông. Năm 2013, Philippines trình hồ sơ lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) tại La Hay, Hà Lan.
Trung Quốc nghĩ rằng, kết quả tồi nhất sẽ là việc PCA dựa trên UNCLOS để phán quyết rằng “quyền lịch sử” mà Trung Quốc đòi hỏi trên biển Đông không có căn cứ pháp lý quốc tế và tòa sẽ bác bỏ “đường 9 đoạn”, các nguồn tin nói.
Trung Quốc nói với các nhà ngoại giao của ASEAN rằng, nếu điều đó xảy ra, họ không loại trừ khả năng rút khỏi UNCLOS - công ước được coi như hiến pháp về biển và đại dương.
Nhiều chuyên gia tin rằng, phán quyết của tòa sẽ bất lợi cho Bắc Kinh. Phê chuẩn UNCLOS năm 1996, Trung Quốc nay lại nói rằng họ sẽ không chấp nhận hay tôn trọng phán quyết sắp tới của tòa.
Bắc Kinh cũng chỉ trích Philippines đã “đơn phương” đưa tranh chấp lên tòa và phá vỡ thỏa thuận trước đó về việc nỗ lực giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương. Trung Quốc lâu nay vẫn tuyên bố tòa trọng tài không có thẩm quyền đối với vụ việc.
Tuy nhiên, hành động của Philippines nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, vì họ coi đây là bước đi nhằm giải quyết những bất đồng và hạ nhiệt căng thẳng thông qua luật quốc tế.
Nhiều nước cũng đã tạo áp lực để Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết sắp tới của tòa nếu muốn trở thành một nước lớn có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc cho rằng, Mỹ (không phải bên ký kết UNCLOS) không có quyền nói về vụ kiện; Washington tăng cường hiện diện ở khu vực cùng các đồng minh một phần nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh dưới danh nghĩa luật pháp quốc tế.
Việc Trung Quốc không tuân thủ quyết định của tòa án chắc chắn sẽ làm tổn hại hình ảnh quốc tế của nước này, nhưng PCA không có cơ chế thực thi quyết định.
Căng thẳng Trung Quốc-Indonesia
Căng thẳng giữa Indonesia và Trung Quốc vì vụ Indonesia bắn tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép trên vùng biển của Indonesia tiếp tục tăng. Indonesia hôm qua lên án Trung Quốc gọi khu vực quần đảo Natura là “ngư trường truyền thống” của ngư dân Trung Quốc.
Sau khi xảy ra vụ việc Hải quân Indonesia bắn cảnh cáo các tàu đánh cá Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước và bắt giữ một số thuyền viên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trung Quốc và Indonesia có tuyên bố chồng lấn về quyền và lợi ích trên biển” ở khu vực này. Trước đó, Trung Quốc bảo vệ hành động của các ngư dân bằng cách nói rằng họ đang hoạt động trên “ngư trường truyền thống”.
Hôm qua, Bộ trưởng Biển và Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti nói với các phóng viên rằng, Trung Quốc trước đây khẳng định họ không có vấn đề gì với Indonesia, nghĩa là Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.
Theo Bộ trưởng Pudjiastuti, hai nước không có thỏa thuận nào về hợp tác trong khu vực này, nên các tàu đánh cá Trung Quốc bị đối xử như bất kỳ tàu nào khác đánh bắt trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Indonesia.
“Chúng tôi không biết về nó (ngư trường truyền thống) và chúng tôi không thừa nhận đòi hỏi của bất kỳ ai nói rằng có vùng đánh cá truyền thống của họ trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, ngoại trừ vùng chúng tôi đã ký thỏa thuận với Malaysia về eo biển Malacca”, bà Pudjiastuti nói.