Vì sao Nhà giáo đứng lớp ít được vinh danh?

TP - Từ trước đến nay, dù giáo viên phổ thông và mầm non chiếm số lượng áp đảo trong đội ngũ nhà giáo của cả nước, nhưng rất ít người được xướng tên trong các đợt phong tặng các danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Đợt phong tặng năm nay cũng không ngoại lệ. 

Các nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân. Ảnh: Như Ý

Giấc mơ xa vời với giáo viên “trơn”? Đợt làm hồ sơ để đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú (NGƯT) năm nay, tự xét mình đủ tiêu chuẩn, cô giáo L.A (Hiệu trưởng một trường THCS có bề dày thành tích ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) định ứng cử. “Các tiêu chuẩn cứng tôi đều đạt. Nhưng khi xin ý kiến cấp trên thì được khuyên… không nên làm. Cấp trên đã bàn lùi như vậy, dẫu tôi có nộp hồ sơ thì khó mà nhận được sự ủng hộ. Vì thế, tôi thôi mơ tưởng danh hiệu NGƯT”, cô giáo L.A giải thích. 

Thực tế cho thấy phần lớn nhà giáo, kể cả những thầy cô kỳ cựu trong nghề, và đặc biệt là các giáo viên “trơn” (không chức vụ) đều ít quan tâm tới các đợt làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NGƯT. Theo họ đó là câu chuyện quá xa vời. Danh hiệu Nhà giáo nhân dân (NGND) lại càng xa vời vợi. 

Một giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn - Hà Đông, Hà Nội cho biết, sau 44 năm thành lập, đến giờ trường có 5 thầy cô được phong tặng danh hiệu NGƯT, nhưng đều thuộc thế hệ cũ. “Từ khi tôi về trường, đến giờ đã 9 năm, chẳng thấy thêm thầy cô nào. Hiệu trưởng - Hiệu phó đương nhiệm cũng chẳng dám mơ, nói gì đến lớp trẻ chúng tôi!”, cô giáo này nói. Trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ làm ở mảng Thi đua - Khen thưởng của Bộ GD&ĐT nhận xét: “Giáo viên không dám nộp hồ sơ vì đó là tâm lý chung, họ nghĩ sếp chưa được thì mình cũng chưa được”. 

“Cơ bản là do Thông tư 07 về phong tặng danh hiệu NGND, NGƯT yêu cầu rất cao về tỉ lệ bỏ phiếu, phải đạt 80 - 90% đồng thuận. Chỉ cần 1 - 2 người trong hội đồng không bỏ phiếu là không được thông qua”.

Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình Đoàn Đức Liêm

Được biết, cả nước có khoảng 1,2 triệu giáo viên - giảng viên, trong đó giáo viên phổ thông- mầm non chiếm số lượng áp đảo. Tuy nhiên, trong số 39 thầy, cô phong tặng danh hiệu NGND năm nay thì giới phổ thông - mầm non chỉ có hai đại diện: Cô Đinh Thị Kim Phương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc; Thầy Lưu Xuân Giới, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Như vậy còn khá hơn đợt phong tặng năm 2012 (cứ hai năm nhà nước mới phong tặng các danh hiệu NGND, NGƯT một lần) khi không có một thầy cô phổ thông - mầm non nào. Với riêng danh hiệu NGND, trong lịch sử của danh hiệu này rất hiếm thầy cô được phong tặng khi chỉ là giáo viên “trơn” tính đến thời điểm đó.

Phần lớn trượt danh hiệu

Trong số 680 cá nhân được phong tặng danh hiệu NGƯT năm nay, có 381 người đang làm việc ở các đơn vị thuộc Sở GD&ĐT các địa phương. Có rất nhiều địa phương hoàn toàn không có bóng dáng nhà giáo nào được phong danh hiệu NGƯT đợt 2014. Số còn lại, khá nhiều tỉnh/thành chỉ được dăm bảy thầy cô, thậm chí chỉ một – hai thầy cô. Hà Nội chẳng hạn, chỉ được bảy thầy cô, trong đó có ba giáo viên trực tiếp đứng lớp. Ông Hoàng Hữu Trung, Chánh Văn phòng Sở giải thích: “Hà Nội có rất nhiều nhà giáo đạt tiêu chuẩn về cống hiến, về tài năng giảng dạy. Nhưng tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học thì rất ít thầy cô đạt sáng kiến loại A”. Một cán bộ Phòng thi đua khen thưởng Văn phòng Bộ GD&ĐT cho rằng, đó là do Hà Nội tự làm khó… cho mình khi mà Sở này khống chế bao nhiêu sáng kiến kinh nghiệm đạt loại A trong khi các địa phương khác “cởi mở” hơn. 

Trong số nhiều địa phương không có một thầy cô nào bậc phổ thông và mầm non được xét danh hiệu NGƯT đợt này có tỉnh Quảng Bình. Ông Đoàn Đức Liêm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình cho biết có nhiều giáo viên đủ tiêu chuẩn, nhưng khi đưa vào hội đồng của tỉnh để xét thì… trượt hết. 

Địa phương hàng xóm của Quảng Bình là Quảng Trị cũng chỉ có 2 nhà giáo được phong danh hiệu NGƯT, trong đó cả hai người đều là cán bộ quản lý cấp Phòng GD&ĐT. NGƯT Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị cũng cho rằng các thầy cô đủ tiêu chuẩn nhưng không được đề xuất lên Bộ chủ yếu do không qua được các vòng bỏ phiếu tín nhiệm. Ông Thắm nhận xét: “Các tiêu chuẩn đưa ra nói chung là cao so với các giáo viên, thành tích được tích luỹ trong quá trình công tác là nhiều giáo viên không đạt được. Vì thế có muốn giới thiệu giáo viên lên cũng không có để mà giới thiệu”. 

NGND Vũ Hữu Bình, giáo viên đã nghỉ hưu ở Hà Nội, cho rằng danh hiệu NGND, NGƯT thể hiện những ghi nhận về sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của dân tộc, vì thế việc những nhà giáo được phong các danh hiệu này phải thật xuất sắc là một đòi hỏi đương nhiên. “Nếu không quy định chặt chẽ thì nhiều địa phương làm ào ào, khiến cho danh hiệu không còn ý nghĩa. Nhưng có lẽ cũng nên xem lại một số quy định hiện hành có quá khắt khe với giáo viên không, để làm sao danh hiệu NGƯT thực sự có tính động viên, tôn vinh những thầy cô trực tiếp đứng trên bục giảng”.