Vì sao Lã Vọng hủy chuyến?

TP - Hôm đó, Khương Tử Nha, công thần đời nhà Chu mà người đời quen gọi là Lã Vọng, thấy tâm trạng bất an, muốn vui thú điền viên tiêu dao sơn thủy. Người hầu kẻ hạ khuyên, thời buổi lắm chuyện thị phi chi bằng chủ nhân nên cứ nghề cũ mà dùng cho nó lành…Mà nghề cũ của Lã Vọng đã danh bất hư truyền, bền gan nhẫn nại buông câu ngồi đến mòn vẹt đá…

Nghe lời, Lã Vọng hỏi: Thế các người khuyên ta nên buông câu ở đâu để ngẫm ngợi thế sự?

Đám gia nhân nhao nhao: Thưa chủ nhân, sông hồ chật chội, chi bằng chủ nhân nên ra biển?

Lã Vọng: Ta còn mặt mũi nào ra đó buông câu! Đường chín đoạn thời nay khác chi cái lưỡi bò tham lam liếm trọn biển Đông, kẻ sĩ như ta làm sao luận thời thế trước bàn dân thiên hạ!...

Đám gia nhân gợi ý: Sông hồ xứ ta đất chật người đông, sản vật cạn kiệt. Chủ nhân buông câu không khéo kéo được cá nhựa, tôm xi măng. Thôi chi bằng, chủ nhân hành phương Nam một chuyến. Ở đó, sơn thủy hữu tình, con người bao dung thân thiện. Một ngày buông câu, biết đâu chủ nhân ngẫm ngợi được nhiều chuyện hay, kế lạ…

Lã Vọng nhíu mày: Thông tin của các người được cập nhật chưa? Ta phong thanh rằng, sông ngòi xứ ấy, nơi thì nạo vét đến trơ đáy. Chỗ thì họ xả thải vô tư. Đến con lươn, con tép cũng đội bùn tức thở. Như thế lấy đâu cho ta có cảm hứng câu?

Đám gia nhân nhìn nhau phân vân lo nghĩ. Bỗng có lời hiến kế: Thưa chủ nhân, hạ thần nghe nói các hồ bên đó, trong trẻo, thanh khiết, đáng để chủ nhân thưởng lãm, thỏa chí tang bồng…

Lã Vọng sa sầm nét mặt, quát: Các người đừng dụ mị ta nữa. Ta nói cho các ngươi biết, ở bán đảo hồ Đống Đa ngay thủ đô xứ ấy, có kẻ dám giả danh Lã Vọng ta xây nhà hàng, buông câu, vớt cá. Danh giá như Lã Vọng ta chấp nhận sống cùng với Lã Vọng giả, thế chẳng phải là tiếp tay cho vàng thau lẫn lộn đó ư?...

Nói đoạn, Lã Vọng lệnh hồi gia!