Trong câu chuyện tự tử của cậu bé Bùi Quang Huy, có thể thấy chúng ta, những người lớn, đã thờ ơ với trẻ em. Thầy cô giáo hoàn toàn biết có vụ việc em Huy bị đánh, nhưng không can thiệp kịp thời và đúng mức. Giáo viên chỉ biết quản lý ở trong khuôn viên, ra ngoài cổng trường coi như em “bị trả lại cho xã hội”, giáo viên hết trách nhiệm?
Ngoài cổng trường các em đối mặt những gì? Người lớn, người mang trách nhiệm bảo vệ trẻ em lại là nguy cơ đối với chúng. Như vị phụ huynh nọ, sẵn sàng đánh đập, làm nhục một đứa trẻ - chưa đến tuổi trưởng thành mà không hề biết mình đang gây tội ác.
Vì sao vị phụ huynh đó, trước khi hành hạ em Huy, không đặt con mình vào vị trí ấy? Điều to lớn hơn là từ câu chuyện ấy, ta cũng có thể đặt câu hỏi vì sao trong xã hội, người ta sẵn sàng làm điều ác với trẻ con, trong khi họ cũng có con có cháu?
Ở ngoài cổng trường còn có những người sẵn sàng quay và đưa những hình ảnh người khác bị làm nhục lên mạng chỉ để thỏa mãn nhu cầu vớ vẩn nào đó hay đơn giản chỉ để câu like? Nhiều khả năng những người này không hề biết rằng hành vi của họ là phạm pháp, là xâm phạm quyền cá nhân.
Ở những nước tiên tiến, chụp ảnh, quay phim không xin phép là phạm pháp, nhưng xã hội ta có quá nhiều người không hề biết đến điều đó. Từ sự thiếu hiểu biết ấy, nhiều người sẵn sàng gây ra điều ác một cách vô tư và hồn nhiên?
Em Huy đã rời khỏi thế giới nay. Nhưng còn đó câu hỏi cả cộng đồng phải làm gì để những em nhỏ như Huy không còn phải chịu sự tấn công của những điều ác tưởng như hồn nhiên kia? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho điều ấy? Nếu cộng đồng không hành động, rồi sẽ còn tiếp diễn những cái chết tức tưởi như thế. Hôm qua là Bùi Quang Huy, gia đình Huy, hôm nay và ngày mai có thể là gia đình tôi và bạn.