Một nguồn tin cho hay, sở dĩ văn bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư thành ủy Đà Nẵng do Southern California University cấp năm 2006 không được Bộ GD-ĐT công nhận là do thời điểm ông Xuân Anh được cấp bằng, trường Southern California University (thực ra trước thời điểm 10/2007 trường này có tên là Southern California University for Professional Studies - SCUPS) chưa được kiểm định bởi bất kỳ một trung tâm kiểm định hợp pháp nào.
Trong khi đó, theo quy định của luật pháp Mỹ, văn bằng chỉ hợp pháp khi được cấp bởi một cơ sở đào tạo đã được một trong số những trung tâm kiểm định mà Bộ Giáo dục Mỹ USDE hoặc Hội đồng kiểm định giáo dục đại học CHEA đã công nhận.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định, căn cứ vào thông báo của Ủy ban kiểm tra, nếu ông Nguyễn Xuân Anh thực sự có học chương trình đào tiến sĩ của trường SCUPS thì cũng chỉ có thể học chương trình đào tạo từ xa, qua phương thức trực tuyến, do ông theo học trong thời gian ngắn (khoảng một năm), đồng thời vẫn sống và làm việc ở Việt Nam. Bởi lẽ “Một chương trình đào tạo tiến sĩ tập trung của các trường đại học của Mỹ thường không dưới 4 năm”, một chuyên gia khẳng định.
Theo đó, văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp được công nhận trong các trường hợp:
Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục theo quy định trong giấy phép và được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Việt Nam hoặc nước ngoài công nhận về chất lượng;
Văn bằng được cấp bởi cơ sở giáo dục nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên;
Văn bằng được cấp bởi các cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài mà các chương trình giáo dục đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng.
Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD&ĐT Việt Nam cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Bộ GD&ĐT không bắt buộc tất cả công dân Việt Nam có văn bằng do nước ngoài cấp phải làm thủ tục công nhận văn bằng. Việc làm thủ tục đề nghị công nhận văn bằng là do từng cá nhân có nhu cầu thực hiện, trên cơ sở yêu cầu của cơ quan sử dụng lao động. Nhiều trường hợp, chính cơ quan sử dụng lao động, hoặc các cơ quan chức năng, sẽ đứng ra đề nghị với những trường hợp cần xác minh.
Trường hợp văn bằng đề nghị công nhận không phù hợp với một trong các loại văn bằng của Việt Nam, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng, cung cấp thêm thông tin và công nhận giá trị thực tế của văn bằng trong hệ thống giáo dục của nước cấp bằng.
Trường hợp văn bằng không đủ điều kiện để được công nhận, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục trả lời bằng văn bản cho người đề nghị công nhận văn bằng nêu rõ lý do không công nhận.”
Trường hợp cần thiết phải thẩm định mức độ đáp ứng quy định về tuyển sinh chương trình đào tạo, người có văn bằng cần gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan như: chứng chỉ ngoại ngữ, các văn bằng, chứng chỉ có liên quan.
Được biết, cho đến nay, Bộ GD&ĐT chưa hề cấp phép cho một chương trình đào tạo từ xa nào.
Trong hội thảo hồi tháng 3/2017, ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết, một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác là việc công nhận tương đương văn bằng của các chương trình đào tạo trực tuyến đang rất đa dạng và chất lượng, tính nghiêm túc rất khó kiểm soát.
Thứ trưởng Ga cũng cho rằng, làm thế nào để chọn lọc, công nhận văn bằng, tránh thiệt thòi cho những người học các chương trình trực tuyến chất lượng này hiện đang là một câu hỏi khó. Chúng tôi rất muốn tham khảo kinh nghiệm quốc tế về việc này.
Còn lãnh đạo Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết, trong các văn bản hiện hành, Bộ cũng chưa đặt vấn đề không công nhận văn bằng đại học của giáo dục từ xa mà chỉ đưa ra các điều kiện, nghĩa là văn bằng từ xa chỉ được công nhận khi mà chương trình từ xa được Bộ GD& ĐT phê duyệt, tức là Bộ GD&ĐT kiểm soát được chương trình.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến tháng 10/2016, có khoảng 130.000 công dân đang học tập ở nước ngoài. Từ năm 2000 tới tháng 10/2016, có 485 chương trình liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục ĐH nước ngoài thực hiện ở các cơ sở giáo dục ĐH tại VN (96,7% số lượng chương trình liên kết đào tạo cấp bằng của nước ngoài).