Về nơi làm khuôn bánh trung thu cổ truyền ở Hà Nội

TPO - Thôn Thượng Cung (xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) có truyền thống làm nghề mộc từ xa xưa và nghề làm khuôn bánh trung thu cũng được truyền từ đời nay qua đời khác.  

Ông Trần Văn Bản (50 tuổi) thôn Thượng Cung được nhiều người biết đến với nghề làm khuôn bánh trung thu. Ông Bản cho biết, nghề làm khuôn bánh được truyền lại qua nhiều thế hệ gia đình.

Những năm trước gia đình ông Bản bắt đầu làm khuôn từ tháng 2 đến tháng 8 Âm lịch. Nhưng những năm gần đây do có nhiều loại khuôn nhựa trên thị trường cùng với nhiều cơ sở làm bằng máy nên số lượng cũng giảm đi.

"Năm nay cũng không có nhiều mẫu, do những khách quen thường thích hoa cổ từ ngày xưa chứ không thích mẫu mã mới", ông Bản cho biết.

Khuôn bánh được làm từ hai loại gỗ là gỗ thị và gỗ xà cừ. Đây là 2 loại gỗ mà người làm thường chọn vì bền, dễ đục đẽo và ít mối mọt.

Khuôn bánh nướng và khuôn bánh dẻo được làm khác nhau. Đối với bánh nướng thì làm đều nét, để khi nướng lớp vỏ bên ngoài bắt lửa đều không bị cháy hay vàng không đều.

Để sản xuất được một chiếc khuôn bánh phải trải qua nhiều công đoạn như pha chế phôi, bào nhẵn, kẻ vẽ, khoan, đục,... trong đó công đoạn đục đòi hỏi người thợ phải làm tỷ mỉ, cẩn thận.

Hầu hết khách hàng đưa mẫu đến đặt làm các loại khuôn như hình các con vật, hình hoa,...

Ngoài những khuôn hình, hoa văn truyền thống, nhiều nơi còn đặt làm thêm biểu tượng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Khuôn bánh trung thu hình rồng, phượng được nhiều người đặt làm.

Khuôn bánh hình rùa.

Chiếc khuôn bánh trung thu có tuổi đời hơn 40 năm bằng gỗ xà cừ gắn liền với nghề làm khuôn bánh của ông Bản.

Hiện tại gia đình ông có 5-6 người làm, và đều là người trong gia đình.

Ông Bản cho biết, nghề làm khuôn bánh trung thu được truyền lại cho con cháu gìn giữ không để mai một.