Uỷ viên Ban chấp hành T.Ư Đoàn khoá XI thể hiện quyết tâm gì?

TPO - Ngày 12/12, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI nhiệm kỳ 2017-2022 đã tập trung bầu ra Ban chấp hành gồm 151 thành viên. Tiền phong ghi nhận nhiều ý kiến, quyết tâm của uỷ viên Ban chấp hành T.Ư Đoàn khoá XI, nhiệm kỳ 2017-2022.

Bản lĩnh, tiên phong

 Đại biểu Bùi Huy Cường - Uỷ viên Ban Chấp hành khoá XI, Bí thư Tỉnh đoàn Hưng Yên. (Ảnh: Như Ý)

Đại biểu Bùi Huy Cường bày tỏ: Ban chấp hành T.Ư Đoàn khoá X đã giới thiệu những đề cử tiêu biểu trên các lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp, thanh niên tiêu biểu... vào Ban chấp hành khoá XI.

Tôi mong muốn, Ban chấp hành khoá XI với những thành viên đủ tiêu chuẩn cùng đoàn kết, bản lĩnh và phát huy trí tuệ để lãnh đạo, đề ra giải pháp mang tính đột phá đưa công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi phát triển tầm cao mới.

Trong bối cảnh hiện nay với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra những cơ hội và thách thức rất cao đối với thanh niên Việt Nam, đòi hỏi các đồng chí trong Ban chấp hành khoá mới phải thực bản lĩnh và tiên phong. Cần có bản lĩnh chính trị vững vàng để phân biệt các luồng thông tin, xu hướng để định hướng thanh niên; bản lĩnh vượt khó vươn tới đỉnh cao mới cùng sự tiên phong để thu hút, lan toả người trẻ nói riêng và cộng đồng nói chung.

Bảo vệ trẻ em

Đại biểu Hồ Hạnh Nguyên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Như Ý)

Đại biểu Hồ Hạnh Nguyên, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh Đồng Nai cho biết: Đây là người lần đầu tiên tham gia BCH T.Ư Đoàn. Cùng với niềm tự hào, tôi thấy mình có trọng trách rất lớn. Là một ứng viên tham gia BCH với vai trò của tổ chức Đội, nhiệm vụ đầu tiên sau khi lĩnh hội nghị quyết đại hội Đoàn là tìm cách để triển nghị quyết ở địa phương một cách hiệu quả nhất với nhiều mô hình thiết thực, sáng tạo và phù hợp với địa phương.

Theo tôi, nhiệm kỳ tới sẽ có bước chuyển rất lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng. Nhiệm kỳ này, Đoàn đưa ra được những giải pháp tốt để tuyên truyền Luật trẻ em, quyền trẻ em. Một trong những việc trọng điểm là làm sao để các em hiểu được và tự bảo vệ mình trước sự những vấn đề trong cuộc sống như bạo hành, xâm hại; bên cạnh những giải khác. Đây là giải pháp đột phá trong nhiệm kỳ này.

Bên cạnh đó, triển khai những mô hình bảo vệ, chăm sóc phù hợp với độ tuổi các em. Ví dụ như, trẻ em miền núi khác trẻ em miền đô thị. Tách phong traò lớn thành những phong trò nhỏ phù hợp với từng đối tượng là vấn đề tôi rất tâm huyết triển khai trong địa phương mình và tôi sẽ tham góp để nhân rộng trong nhiệm kỳ tới.

 Quan tâm thanh niên dân tộc thiểu số

Đại biểu Huỳnh Quốc Thái, Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang là Uỷ viên BCH T.Ư Đoàn khoá XI. (Ảnh: Như Ý)
Đại biểu Huỳnh Quốc Thái, Bí thư Tỉnh Đoàn An Giang cho biết, sẽ nỗ lực để tham gia giải quyết, đáp ứng những nguyện vọng, nhu cầu, quyền lợi chính đáng của thanh thiếu nhi. Đặc biệt, là trải nghiệm thực tế, gần gũi với thanh niên để nắm bắt chính xác tình hình thanh niên, để từ đó có những quyết sách phù hợp với thanh niên từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, việc tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước, các cấp bộ, ngành đưa ra các chính sách cho thanh niên. Là cán bộ Đoàn cần tâm trong, trí sáng, bản lĩnh và quyết đoán. Đặc biệt là với những  chính sách thiết thực cho thanh niên chủ động đề xuất, kiên trì đeo bám đến cùng để sớm được ban hành mang lại quyền, lợi ích chính đáng cho thanh thiếu nhi.
Trong đó, quan tới thanh niên dân tộc thiểu số, tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên dân tộc học tập, việc làm, đặc biệt là khởi nghiệp. Thanh niên dân tộc có những hạn chế về các kiến thức, khả năng tiếp cận thông tin. Vì vậy, Tổ chức Đoàn, Hội quan tâm công tác thông tin tuyên truyền để các bạn có hiểu biết về khởi nghiệp và tham gia khởi nghiệp.