UNESCO đề nghị giải trình về Hoàng thành

TP - Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới (UNESCO) chính thức gửi thư về sai phạm ở Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu.
UNESCO yêu cầu giải trình việc xây tường và con đường cứu hỏa bên cạnh Nhà Quốc hội, thuộc khu 18 Hoàng Diệu. Ảnh: T.Toan

Đề nghị giải trình


Ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới gửi thư ngày 25/7 tới Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO, đồng thời gửi Ủy ban Quốc gia UNESCO (UBQG) Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội. 

“Trung tâm Di sản thế giới gần đây nhận được thông tin liên quan việc xây dựng Nhà Quốc hội và một bức tường bao quanh bên cạnh Hoàng thành Thăng Long-được ghi danh vào Danh sách Di sản thế giới năm 2010. Theo thông tin đó, việc xây dựng Nhà Quốc hội và tường bao quanh có thể gây ra những tổn hại không thể sửa chữa đối với di sản.

Những tổn hại này có thể đe dọa tính nguyên gốc và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản này. Hơn thế nữa, nó cũng nêu bật lên những vấn đề liên quan đến việc quản lý di sản- những vấn đề có thể ảnh hưởng việc gìn giữ di sản”, ông Kishore Rao viết.

Trong kiến nghị mà ba Hội gửi lên Thủ tướng và các cấp, ngành liên quan có nêu: “Bức tường bằng bê tông cốt thép nằm trong phạm vi di sản, có chỗ cao đến 3-4m ở sát thành hố khai quật và một số đoạn đường ống thoát nước cũng đào sâu vào phần đất của Khu di sản. Như vậy là một bộ phận của di sản khảo cổ nằm dưới con đường này đã bị phá hủy nghiêm trọng”.

Có mặt tại công trường ở khu 18 Hoàng Diệu, chúng tôi ghi nhận bức tường này có thật. Ông Đỗ Thiều Quang, Phó Giám đốc BQL dự án Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình giải thích để “ngăn vật liệu rơi xuống hố khai quật lộ thiên”, song theo GS. Phan Huy Lê, không phải cứ ấn bức tường bê tông xuống, mà họ đào sâu, rộng ra đất của khu di sản.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến phần di sản bên dưới lòng đất.
“Về vấn đề này, Trung tâm Di sản thế giới đề nghị nhà chức trách xác minh và cung cấp cho chúng tôi thông tin chi tiết hơn về các vấn đề nêu trên, trong sự tham chiếu với đoạn 174 của Hướng dẫn hoạt động, trong thời hạn sớm nhất có thể”, ông Kishore Rao đề nghị.  

Trước đó, hôm 25/7, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cũng ký văn bản số 416 về việc kiến nghị khẩn cấp của ba Hội, gửi Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội. 

Ông Sơn yêu cầu các bộ, ngành “Báo cáo Thủ tướng, đồng thời cho kiểm tra, đánh giá và sớm khắc phục hậu quả do những vi phạm gây ra đối với tính Toàn vẹn và các Giá trị nổi bật Toàn cầu của Khu di sản Thăng Long-Hà Nội; tuân thủ nghiêm ngặt Luật Di sản Văn hóa và Công ước của UNESCO về Bảo vệ Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới (công ước 1972), đồng thời lưu ý đến các khuyến nghị của UB Di sản thế giới nêu tại Nghị quyết 34 đối với Khu Di sản này”.

Mau chóng khắc phục 

Văn phòng UNESCO tại Hà Nội báo cáo Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO tại Paris về những vi phạm hiện nay đối với Khu di sản Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội. Trong văn bản gửi các bộ, ngành, Chủ tịch UBQG UNESCO Việt Nam lưu ý: “Nếu không sớm khắc phục hậu quả, khả năng Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO cử đoàn chuyên gia quốc tế đánh giá những sai phạm tại chỗ và đưa ra khuyến nghị cảnh báo tại kỳ họp lần thứ 39 của Ủy ban Di sản thế giới tại Đức tháng 7/2015 đối với Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long Hà Nội là rất cao”.

“Việc này, nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam tại tổ chức UNESCO cũng như tại Ủy ban Di sản thế giới mà Việt Nam hiện là thành viên”, ông Sơn nhấn mạnh. GS Phan Huy Lê cũng nói, nếu không chung sức giải quyết sớm thì khả năng xấu nhất- bị loại khỏi danh sách Di sản Thế giới “đang trở thành hiện thực”.

Một khi Trung tâm Di sản Thế giới lên tiếng, không còn là vấn đề nhỏ, trong phạm vi Hà Nội nữa. Trung tâm này điều phối tất cả vấn đề liên quan di sản thế giới của UNESCO, đảm bảo việc thực hiện Công ước, tổ chức các phiên họp thường niên của Ủy ban Di sản thế giới và Văn phòng, tư vấn cho các quốc gia thành viên chuẩn bị đề cử. 

Đặc biệt, trung tâm có vai trò lớn phối hợp trong tiến trình làm báo cáo về tình trạng các di sản và hành động khẩn cấp đối với di sản bị đe dọa.
Bây giờ sửa sai ngay còn kịp không? 

“Theo tôi vẫn còn thời gian,nếu chúng ta nghiêm chỉnh muốn khắc phục, chứ không phải cứ để đấy, tìm mọi cách đổ lỗi cho bên này bên kia. Ở đây là trách nhiệm đối với văn hóa, trách nhiệm của chúng ta với nhân loại. Nếu chúng ta sửa ngay, trước khi chuyên gia UNESCO đến kiểm tra, họ thấy hợp lí thì mọi chuyện sẽ không xấu đi”, GS. Nguyễn Quang Ngọc nói.

Bộ VHTT&DL ngày 28/7, gửi Công văn số 2466/BVHTTDL-DSVH đến Bộ Xây dựng đề nghị xem xét và chỉ đạo cơ quan chức năng đề xuất biện pháp khắc phục những sự cố làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực C-D của Khu Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội theo kiến nghị của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam và Hội Khảo cổ học Việt Nam.

Được biết ngày 28/7, Bộ VHTT&DL làm việc với UBND TP Hà Nội về những sai phạm ở Hoàng thành Thăng Long.