Tuyên chiến

TP - Người Việt đang tự đầu độc lẫn nhau, tự làm thui chột giống nòi qua những loại thực phẩm bẩn tràn lan. Đây là một thực tế đầy cay đắng. Trước đây, chúng ta thường xuyên phải cảnh giác, phải đề phòng nguồn hàng hóa, thực phẩm từ bên ngoài, từ những nước có “thành tích” kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn, thực phẩm có chất độc và đã có nhiều người tẩy chay thực phẩm nhập từ một số nước láng giềng.

Nhưng nay, bên cạnh nguồn thực phẩm ngoại trôi nổi, độc hại do những kẻ hám lợi tuồn vào, người dân lại hằng ngày phải đối đầu, phải vừa ăn vừa run trước đủ loại đồ ăn thức uống do chính đồng bào mình nuôi, trồng, sản xuất hay chế biến. 

Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm qua và có thể nói cả xã hội đều cảm nhận, dù ít dù nhiều, thực tế đáng ngại này. Nhưng điều đáng buồn nhất chính là tình trạng thực phẩm bẩn, độc hại ngày càng trở nên trầm trọng, nguy cơ mất an toàn vệ sinh, bệnh tật từ thực phẩm hiện diện khắp nơi.

Người ta đã nói nhiều đến những luống rau “nhà trồng để ăn” và bên cạnh đó là những luống rau “nhà trồng để bán”. Rõ ràng đó là suy nghĩ thiển cận, chạy theo cái lợi trước mắt và hẹp hòi của người sản xuất nhưng tâm lý này lan tràn đến mức kể cả những người trồng rau “bẩn” để bán kia cũng không tránh khỏi bị đầu độc với những loại hàng hóa, thực phẩm bẩn mà những người sản xuất khác tung ra thị trường. 

Anh đầu độc xã hội bằng rau bẩn thì cũng lại bị đầu độc bằng thịt bẩn, con cái anh ra ngoài đường cũng không tránh khỏi bị đầu độc bằng thức ăn đường phố, thậm chí cả đồ ăn học đường không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. 

Xã hội tự đầu độc lẫn nhau và hậu quả chắc chắn vô cùng to lớn, thậm chí có thể nói nếu không xử lý tận gốc vấn nạn này, có nghĩa là chúng ta đang làm ngơ để những kẻ xấu mặc sức đầu độc, làm thui chột giống nòi bởi có nhiều loại bệnh tật để lại hậu quả âm thầm và lâu dài.

Vấn nạn thực phẩm bẩn hôm qua một lần nữa được nêu ra, lần này là tại diễn đàn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ quan này đang lên kế hoạch mở một cuộc vận động, tuyên truyền, xây dựng văn minh và đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Trong đó sẽ tăng cường vận động người dân không bán hàng không rõ xuất xứ  hàng giả, hàng kém chất lượng… Bên cạnh đó, cũng xem xét đưa vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào tiêu chí công nhận gia đình văn hoá.

Tất nhiên, tuyên truyền, vận động là điều cần thiết, nhưng với tình trạng hiện nay cũng như tính nghiêm trọng của vấn đề, đã đến lúc toàn xã hội phải gióng lên hồi chuông cảnh báo, tuyên chiến thực sự với thực phẩm bẩn qua những biện pháp mạnh từ các cơ quan hữu trách.