Chuyện về Nguyễn Du và Truyện Kiều- Kỳ VIII:

Tướng Nguyễn Sơn thẩm Kiều

TP - … Năm thứ nhất khoa Văn, nơi sơ tán ở Hà Bắc, lớp Văn khóa 17 của tôi nhận một thành viên nhập học hơi muộn. Đó là anh Phạm Văn Sĩ. Anh Sĩ quê Thanh Hóa, từng đi bộ đội nhiều năm ở Trường Sơn. Anh ít nói, kín đáo, sức học cũng trung bình nhưng sở thích làm thơ thì lắm khi ồn ào vượt khỏi khuôn tính của mình.

Ra trường, anh về làm công tác nghiên cứu văn hóa ở xứ Thanh. Vết thương cùng bệnh tật chiến trường dai dẳng hành hạ anh. Thời gian cho công việc chả được bao nhiêu, còn lại là ốm đau liên miên. Nhưng thi thoảng cánh đồng môn chúng tôi vẫn được đọc thơ anh in rải rác đây đó.

Lần ấy ghé nhà thơ Hữu Loan ở Vân Hoàn, Nga Sơn. Ngó lên bức vách nghèo vốn trống trơn của nhà thi sĩ giật mình thấy hai bài thơ tặng nhà thơ Hữu Loan. Thơ của Phạm Văn Sĩ! Lấy làm lạ bởi thi sĩ Hữu Loan vốn khắt khe khó tính dễ chi để thơ người khác đậu trên vách nhà mình, dẫu đó là thơ tặng?

Tôi đọc một mạch. Tiếng Vọng/Ra đi Từ Thức vắng tiên cung/ Ở lại Giáng Hương lạnh tím lòng/ Đãng trí, ngày ngày chàng đánh dậm/ Ngẩn ngơ, tháng tháng tiếp xe bông/ Gấm bào, bùn nhuốm, màng chi lộc/ Phấn thổ, quan trường, tiệt chí mong/ Thơ phú lưu danh, chàng có một/ Vạn niên duyên phận, tiếp long đong…

Và: - Lời đáp/ Từ Thức, ai tìm chốn ở đây?/ Ta còn, thơ phú bút hồn mây…/ Miền Thanh khởi nghĩa cờ tung gió/ “Đèo cả” tung bờm vó ngựa bay/ Kháng chiến gian nan làng đã thắng/ Kiêu hùng Vệ Quốc chí nào lay!/ “Hoa sim màu tím” tình ly biệt/ Vẫn mộng em về “Hoa lúa” say…

Ngồi chuyện lâu với nhà thơ Hữu Loan, được biết cánh viết lách xứ Thanh (trong đó có hai anh cùng lớp tôi  Đỗ Xuân Thanh, Phạm Văn Sĩ ) thường ghé nơi này. Mà Hữu Loan trưng hai bài thơ của Phạm Văn Sĩ lên vách cũng là phải có duyên chi đó?

Lần hiếm hoi hội lớp ấy, tôi hỏi anh Phạm Văn Sĩ về bài thơ treo trên vách. Anh cười nhũn nhặn là phục tài cụ Hữu Loan nên viết chơi thôi. Anh Sĩ bộc bạch do quen biết đi lại với cụ Hữu Loan đã lâu nên anh có điều kiện và góc độ để phát lộ một Hữu Loan ngoài Màu tím hoa sim… Tập bản thảo mỏng thôi mà anh Sĩ kè kè bên mình kia dường như đương tố cáo những ấp ủ bao năm của người nghiên cứu sưu tầm như  là những vỡ vạc manh nha của một Hữu Loan học… Một cuốn sách về Hữu Loan, tại sao không? Thật thú vị khi được ngó những dòng Phạm Văn Sĩ  ghi lại những câu chuyện những tư liệu không đầu không cuối. Chẳng hạn như Tướng Nguyễn Sơn mê Kiều như thế nào…

Một điều thú vị,  mấy năm sau tôi may mắn được tiếp cận một khúc di cảo của GS Trương Tưu ( sinh 1913  ngoại ô Gia Lâm, tự học chương trình Tú tài Pháp Việt. Từ năm 1941 đến 1946, Giám đốc Văn chương (tương tự Tổng biên tập) Nhà Xuất bản Hàn Thuyên. Thời kháng chiến chống Pháp là ủy viên Hội  chi hội phó Chi hội Văn hóa Thanh Hóa,  dạy trường Thiếu sinh quân, trường Dự bị đại học…Sau hiệp định Genève 1954, hồi cư về Hà Nội, dạy Trường đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa Hà Nội. Năm 1957, được phong chưc danh Giáo sư, cùng đợt với Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu, Nguyễn Mạnh Tường… 1958, bị buộc thôi viêc vì dính líu đên  Nhân văn giai phẩm. Sau đó chuyển sang nghiên cứu y học và sống bằng nghề Đông y. Ông mất năm 1999 tại Hà Nội, thọ 86 tuổi. Ngoài tiểu thuyết còn nổi danh ở lĩnh vực Nghiên cứu, lý luận, phê bình Văn, sử học trong đó có Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Nhân  Văn chương Truyện Kiều (1944)

Thời kháng chiến chống Pháp thầy Trương Tửu và nhiều văn nghệ sĩ tản cư về Quần Tín, Thanh Hóa. Thiếu tướng Nguyễn Sơn, Tư lệnh Quân khu IV, người thành lập Trường Thiếu sinh quân, đã mời thầy Trương Tửu dạy bộ môn Văn học Việt Nam cho lớp Trung học chuyên khoa của trường.

Trong thời gian thầy giảng dạy ở trường Thiếu sinh quân Liên khu IV đã xảy ra một việc. Về Nguyễn Du và Truyện Kiều thầy chưa có thời gian nghiên cứu để điều chỉnh lại hệ thống nhận định cũ và vẫn trình bày các luận điểm của hai cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều (1942) và Văn chương Truyện Kiều (1944) với bút danh Nguyễn Bách Khoa. Để cung cấp cho học sinh một cách hiểu khác, Ban giám đốc trường Thiếu sinh quân Liên khu IV đã mời Thiếu tướng Nguyễn Sơn đến trường nói chuyện ngoại khóa về Truyện Kiều. Cuộc nói chuyện được tổ chức tại đình làng Sim, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Cuộc nói chuyện đã diễn ra với thời gian kỷ lục là suốt một ngày!

Nguyễn Sơn đã điểm lại một số ý kiến bình phẩm về Truyện Kiều từ Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng cho đến Đào Duy Anh, Hoài Thanh và đặc biệt đã dành nhiều thời gian phê phán Nguyễn Bách Khoa. 

Tướng Nguyễn Sơn.

Có lần tôi hỏi thầy: Hồi này trong học sinh Thiếu sinh quân vẫn lan truyền câu chuyện sau đây: “Một hôm Thiếu tướng Nguyễn Sơn đến nhà trọ của thầy để tranh cãi về Truyện Kiều, thầy đã nói: Nếu ông đến để tranh cãi với tôi thì hãy để cái lon Thiếu tướng ở ngoài cửa rồi hãy vào. Điều đó có thực không? ”. Thầy cười trả lời: “Đời nào tôi lại ăn nói lỗ mãng như vậy, nhưng tranh cãi thì có. Cái ông Nguyễn Sơn này cũng “ngộ” lắm: Một mặt cũng độc đáo, quan liêu ra phết, nhưng mặt khác lại chan hòa, thân ái bỗ bã với mọi người. Sau cuộc nói chuyện đó, có lần ông đang phóng chiếc xe đạp “xì-téc-linh”, thấy tôi đang đi bộ bên đường, liền xuống dắt xe, đi bộ với tôi hàng cây số, nói chuyện vui vẻ, như không có chuyện gì xảy ra. Nguyễn Sơn là con người như thế đấy  (trích hồi ức của GS Nguyễn Văn Hoàn ĐHSP Hà Nội).

Chợt nhớ ngay đến đoạn tư liệu mộc của Phạm  Văn Sĩ về sự kiện này. Hình như tư liệu của anh Sĩ phong phú sinh động hơn.

Xin trích: Tướng Nguyễn Sơn với Truyện Kiều và GS Trương Tửu.

… Với Nguyễn Du, Từ Hải được sáng tạo thành hình tượng anh hùng cứu thế, cứu nhân, đưa Kiều ra khỏi lầu xanh của Tú Bà, mang lại cho nàng những ngày sống thoả lòng ân oán và hạnh phúc dù ngắn ngủi. Với Thuý Kiều trong “Kim Vân Kiều truyện” chỉ là cô gái mắc cạn, phải bán mình chuộc cha. Khi Bạc Bà, Bạc Hạnh đưa Kiều đến nhà Tú Bà để hầu khách làng chơi, ngồi trong kiệu, Kiều đâu tỏ ra vui vẻ, mãn nguyện với việc dâm ô mà mình sẽ làm ở lầu xanh. Trái lại Kiều của Nguyễn Du không chỉ đẹp nghiêng nước, nghiêng thành mà trong hoàn cảnh ô trọc ghê tởm đó, nàng đã thét lên những lời căm thù oán hận:

Chém cha cái kiếp má đào.../ Tiếc thay nước đã đánh phèn.../ Đau đớn thay phận đàn bà.../”.

Tướng Nguyễn Sơn đọc thơ Kiều mà xúc động thật sự như có lệ rơi, tiếng khóc, như cụ Nguyễn Du đã hiện về nhập vào ông mà gào lên nỗi đau thương cho thân phận nàng Kiều...

“Các bạn Trung Quốc, các chiến sĩ Bát Lộ Quân yêu thích Truyện Kiều Việt Nam vì cái lẽ như thế...

Thưa các bạn, thưa các cháu Thiếu sinh quân! Vậy mà ngay trên đất Việt Nam chúng ta hầu hết người dân Việt Nam đều yêu thích và rất nhiều người thuộc Truyện Kiều, thì giáo sư Trương Tửu lại giảng Kiều cho thế hệ trẻ một cách sai lệch không thể chấp nhận được... Lý do tôi nói Truyện Kiều hôm nay vì tôi đã đọc được ở những cuốn vở ghi chép của các em ở lớp chuyên khoa đệ nhất. Các em đã ghi lời giảng văn của giáo sư Trương Tửu thế này: “ Kiều mắc bệnh ủy hoàng - một thứ bệnh sinh lý luôn căng thẳng bởi tình dục đòi hỏi. Kiều bán mình chuộc cha rồi vào lầu xanh là sự kết hợp hai mặt báo hiếu với sự giải thoát tình dục, giải thoát sự ham muốn khát khao của thời con gái có nhan sắc...”.

Nhà thơ Hữu Loan.

Tôi - Hữu Loan cảm nhận như cả khối người trong đình làng Sim đều nín thở, cùng mọi vật trong không gian lặng im cho Tư lệnh Nguyễn Sơn diễn thuyết. Ông nói tiếp:

“Giáo sư Trương Tửu hoàn toàn hỏng. Rất hỏng. Bởi phải giảng Kiều với ý nghĩa xã hội, với triết lý, đạo lý nhân văn sâu sắc, Kiều là sản phẩm của mọi quan hệ đời sống. Thì, giáo sư lại giải thích Kiều bằng quan điểm phân tâm học của Freud. Các em đã ghi lời giảng của giáo sư rằng: Kiều tự nguyện bán mình là sự thúc bách muốn chuộc cha cùng sự nén ép hưng phấn căng thẳng của chất libido - tức là dục vọng không chỉ có ở giới nữ mà ở cả giới nam và rộng hơn là giống đực và giống cái trong sự tranh đua sinh tồn thoát ra ngoài ý muốn xã hội. Tôi không nghi ngờ và rất khâm phục sự thông thái biết rộng ở giáo sư Trương Tửu. Nhưng tiếc thay giáo sư lại sắm vai một y sĩ phân tâm học Freud để suy diễn, bình luận về Truyện Kiều, mà lầm Truyện Kiều chỉ là cuốn giáo trình trần trụi thô thiển về tâm lý, sinh lý học...

Về nghệ thuật, tại sao giáo sư Trương Tửu lại kết luận thơ lục bát nói chung và ở Truyện Kiều nói riêng là sản phẩm nô lệ của dân tộc và âm điệu của nó tiến tới chỗ diệt vong bởi sự bế tắc trong trùng kỳ tiến hoá của nhân loại. Tại sao giáo sư có thể giải thích Nguyễn Du, cùng bố là Nguyễn Nghiễm và anh là Nguyễn Khản đều lây truyền bệnh uỷ hoàng tình dục được thăng hoa phát tiết trong nghệ thuật tuyệt đỉnh của Truyện Kiều. Khoa học kỹ thuật cùng mặt nào đó của văn hoá Tây phương ta phải biết thừa nhận, tiếp thu nhưng không phải vì thế mà ta lại tự nhìn ta bằng tâm lý tự ti và miệt thị.

Tôi đề nghị giáo sư Trương Tửu hãy rời thế giới quan phương Tây mà về với thế giới quan biện chứng dân tộc, sẽ tránh được sai lầm, sẽ bắt được cái thần, cái tình tuyệt đắc của Truyện Kiều để “tam bách dư niên hậu” cụ Tố Như không còn khóc, cụ có thể mỉm cười vì thế hệ chúng ta đã hiểu được những điều sâu xa cụ đã ký thác trong tác phẩm...”

Cả hội trường lại vang lên tiếng vỗ tay. Giáo sư Trương Tửu đã đến đúng lúc bên bàn diễn giả Tư lệnh Nguyễn Sơn. Hai tay giáo sư chìa ra xin được nắm tay Tư lệnh: - Cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Sơn. Tôi sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến phê phán của anh. Tôi sẽ viết lại Nguyễn Du với Truyện Kiều theo quan điểm Mácxít mà anh là người đã lật sáng cho tôi thay đổi thế giới quan và phương pháp luận.

Một tràng vỗ tay như sấm dành riêng cho GS Trương Tửu - một người có vốn tri thức Đông Tây sâu rộng. Giáo sư đã không tự ái và cả hai đều khẳng khái chân tình khiến người nghe rất thông cảm và kính trọng.

… Nhiều lắm những bâng khuâng khi anh Phạm Văn Sĩ đột ngột mất vì bạo bệnh và thi sĩ Hữu Loan đã thành người thiên cổ. Cuốn sách về Hữu Loan của anh Sĩ vẫn chưa được ra mắt bạn đọc?

___________________

               Còn nữa