Ông Trương Bòe đã 72 tuổi, có đến 6 đứa con cùng một đàn cháu ngoại. Ba người con trai thì hai người đi biển. Cuộc sống đến nay xem như ổn định, ông có thể nghỉ ngơi, nhưng ông Bòe xua tay, nói: “phải đến khi nào sức cạn thì mới nghỉ. Dân miền biển, làm biển đã quen rồi, ở nhà khó chịu lắm!”.
Ông Bòe đi biển từ năm 20 tuổi, theo cha lang thang trên những con sóng. Nhẩm tính cũng đã hơn 50 năm đi biển, cái nắng cái gió đủ cả. Vừa trò chuyện, tay ông vẫn nhanh nhẹn kéo mảnh lưới, gỡ những con cá vừa dính. Ông nói: “Chuyến này toàn cá trích, gỡ lưới khó quá, nhưng cũng được 100 nghìn đồng. Đủ cho tôi và bà nhà mua đồ ăn cả ngày”.
Còn ông Phạm Thắm, 70 tuổi, nhà có 5 người con gái và 1 con trai. Những người con gái đã gả chồng, còn con trai cũng theo thuyền đi biển. Hằng ngày ông Thắm vẫn phiêu bạt trên những con sóng. Ông nói: “Cứ 3 giờ sáng, tôi dậy để kéo thúng ra biển, rồi tự mình chèo thúng đi thả lưới, đến hơn 7 giờ thì về lưới”. Ông cũng có đến hơn 55 năm đi biển, kinh tế vợ chồng già phụ thuộc vào những chuyến biển. Ông Thắm một mình trên chiếc thuyền cứ thế đi xa tận 5 hải lý, đến gần cả đảo Lý Sơn, để đánh bắt cá. Chiếc thuyền nhỏ được ông dành dụm tiền bạc mua từ năm 2010 với giá 30 triệu đồng.
Trưởng thôn Phước Thiện, ông Đặng Thế Mỹ, kể: “Khoảng 5 năm trước, có ông Đặng Xưa, hồi đó, ông gần 70 tuổi, đi thuyền cùng với 4-5 người anh em trong nhà, có cả con trai của ông. Gặp phải sóng lớn, thuyền chìm, anh em của ông Xưa chết cả. May mắn, ông Xưa bơi được vào bờ và chỉ có mình ông còn sống”. Theo ông Mỹ, cả thôn Phước Thiện, có gần 5.000 khẩu, thì có đến gần 400 người trên 70 tuổi đi biển. Rất nhiều người đã có thúng cá nhân, có đến gần 50 cái thúng mà những lão ngư tự mình sắm được.
Một ngày những lão ngư chỉ kiếm chừng 100 nghìn đồng, nhưng họ sẵn sàng bám biển.