Sát cánh cùng ngư dân nghèo vượt khó bám biển

Nguyễn Thị Thu Trang - Đại diện Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (bên phải) trao tiền hỗ trợ 10 ngư dân vượt lên hoàn cảnh khó khăn kiên gan bám biển. Ảnh: Đức Ngọc
Nguyễn Thị Thu Trang - Đại diện Hội thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (bên phải) trao tiền hỗ trợ 10 ngư dân vượt lên hoàn cảnh khó khăn kiên gan bám biển. Ảnh: Đức Ngọc
TP - Tối qua (20/7), tại Chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt do Tỉnh đoàn Quảng Ngãi tổ chức, đại diện Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) và báo Tiền Phong đã trao 10 suất quà (mỗi suất 5 triệu đồng) cho các ngư dân trẻ hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn kiên gan bám biển. 

Đây là khoản tiền 50 triệu đồng trong tổng số 80 triệu đồng (391.680 yên Nhật) mà các bạn sinh viên Việt Nam tại Nhật vừa quyên góp ủng hộ chương trình vì biển đảo ở quê nhà.

Khó khăn chất chồng 


Vừa trở về từ Hoàng Sa sau gần một tháng bám biển, tranh thủ chờ tan bão Rammasun, ngư dân Đỗ Quốc Quảng (36 tuổi, thôn Định Tân, xã Bình Châu - Bình Sơn, Quảng Ngãi) bắt tay ngay vào việc vá lưới chuẩn bị ngư cụ cho chuyến biển sắp tới. 

Sát cánh cùng ngư dân nghèo vượt khó bám biển ảnh 1

Ngư dân Đỗ Quốc Quảng cùng vợ đan lưới chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo. Ảnh: Nguyễn Thành

Căn nhà nhỏ nằm trên gò cát của vợ chồng anh chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc tivi cũ, chiếc xe máy cà tàng để vợ anh (chị Phạm Thị Cúc) hằng ngày chợ búa nuôi 2 đứa con nhỏ. Từ ngày lấy nhau, ngày ngày anh Quảng đi biển, chị Cúc ở nhà nội trợ nuôi con, nuôi bố già bệnh tật. Nguồn sống của 5 nhân khẩu trông chờ vào những chuyến biển của anh.

Từ bé, anh Quảng cùng ông và bố ra biển khơi. Lớn lên, hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê, anh nối nghiệp bám biển. Mấy năm nay, anh theo tàu QNg 90143 của ông Đỗ Văn Nho làm bạn. Đi biển mỗi ngày một khó, thua lỗ triền miên nên gia đình anh và nhiều gia đình ngư dân khác ở Bình Châu lâm cảnh nợ nần. 

Riêng năm 2014, tàu cá QNg 90143 ra khơi 8 chuyến thì 3 chuyến lỗ nặng, 4 chuyến chỉ đủ bù tổn phí, chuyến còn lại có lời nhưng chia đầu người không đáng bao nhiêu. Hiện gia đình anh Quảng đang nợ chủ tàu và anh em hơn 20 triệu đồng, số tiền quá lớn với hoàn cảnh gia đình anh.

Cạnh nhà Quảng là nhà ngư dân Trần Lam (39 tuổi) cũng tuềnh toàng, trống trơn. Vợ thất nghiệp, 3 đứa con đang tuổi ăn học, tất cả cũng trông chờ vào nghề biển của anh. Hơn chục năm nay, anh Lam theo tàu cá QNg 95693 của ông Trần Trung làm ăn. 

Anh nói: “Mấy chuyến biển vừa qua thua lỗ nặng vì liên tục bị tàu Trung Quốc quấy phá. Anh em về trắng tay”. Mỗi chuyến đi biển, anh em góp tổn phí cho chủ tàu. Có mấy chuyến, vì không đủ tiền anh đành vay mượn. Làm ăn thua lỗ, đến nay số tiền nợ của gia đình anh ngót 30 triệu đồng.

Căn nhà của lão ngư Đỗ Minh Hạnh (55 tuổi) hơn một năm nay đã vang tiếng cười trẻ thơ. Ông Hạnh và con trai đầu Đỗ Duy Tuân (29 tuổi) vừa trở về từ Hoàng Sa, nước da còn cháy sạm. 

Bồng đứa con trai kháu khỉnh trên nay, anh Tuân xúc động: “Cháu là con nuôi của vợ chồng em đấy”. Tuân và vợ cưới nhau đã hơn 3 năm, nhưng cả hai mắc bệnh hiếm muộn. Hai vợ chồng đi khắp nơi chạy chữa nhưng không thành. Mỗi chuyến đi chữa bệnh, tốn kém hàng chục triệu đồng, khiến gia đình vốn khó khăn lại càng kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Năm ngoái, có một bé trai bị bỏ rơi ở bệnh viện huyện, hay tin, vợ chồng anh Tuân xin nhận làm con nuôi. 

Sát cánh cùng ngư dân nghèo vượt khó bám biển ảnh 2

Vợ chồng ngư dân Đỗ Duy Tuân và con nhỏ 

Ông Hạnh ngồi bên nhìn cháu cười đùa, giọng ông nặng trĩu: “Một đời bám biển, giờ chỉ mong sao, con cái có được vốn liếng làm ăn, đóng tàu vươn khơi. Gia đình người ta khấm khá, có tàu lớn để con nối nghiệp. Tôi nghèo khó phải đi bạn, rồi đời con cũng phải nối nghiệp theo cha”. Căn nhà của ông Hạnh chật chội, bấy lâu nay là chỗ ở cho hai vợ chồng Tuân và đứa em trai, bất tiện đủ đường. Nhưng, vì khó khăn, bệnh tật, nên kế hoạch ra ở riêng của vợ chồng trẻ mấy năm nay vẫn đành gác lại. 

Kiên gan

Tuy khó khăn nợ nần, bị Trung Quốc quấy phá, nhưng các ngư dân trẻ vẫn kiên quyết bám biển. “Ngư dân không ra biển thì biết làm gì nuôi vợ con. Thời gian qua, liên tiếp gặp phải tàu Trung Quốc cản phá, đâm va nên khó khăn lại càng khó khăn, nhưng chúng tôi kiên quyết không rời biển”, anh Quảng quả quyết. Nhận số tiền 5 triệu đồng, anh xúc động ngỏ lời cám ơn các bạn sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản dù xa xôi nhưng vẫn quan tâm đến bà con ngư dân nghèo ở quê nhà.

Ngư dân Trần Lam, hy vọng ngư trường Hoàng Sa rồi đây sẽ bình yên trở lại để ngư dân nghèo đánh bắt được nhiều nuôi sống gia đình, cho con cái ăn học, sớm thoát nghèo. “Từ lâu mấy anh em trong nhà ước mơ có một con tàu riêng, nhưng bao năm rồi đành chịu, đành đi làm bạn nuôi gia đình, sống qua ngày. Chỉ mong những ngư dân nghèo như tôi sớm được hỗ trợ, giúp đỡ, vay vốn để làm ăn, bám biển”, anh Lam, nói.

Nhìn con vui chơi, Đỗ Duy Tuân quyết tâm: “Dù khó khăn, tôi vẫn quyết tâm bám biển đến cùng để nuôi con khôn lớn, bù đắp thiệt thòi cho con và có tiền chữa bệnh cho hai vợ chồng”. Với số tiền 5 triệu đồng được trao tặng, anh Tuân nói anh sẽ dành làm chi phí cho chuyến đi biển sắp tới. Cả anh Tuân cùng cha là ông Hạnh đang trông bão tan, để ra biển Hoàng Sa, với hy vọng ngày gần nhất ba cha con sẽ đi trên một chiếc tàu của riêng mình.

10 ngư dân trẻ có hoàn cảnh khó khăn, kiên gan bám biển ở xã Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi) được nhận tiền ủng hộ từ Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản (VYSA) và báo Tiền Phong, gồm: Nguyễn Hồng Thạch, Võ Duy Lâm, Đỗ Quốc Quảng, Trần Lam, Đỗ Văn Vo, Đỗ Hữu Phương, Nguyễn Văn Đạt, Đỗ Duy Tuân, Võ Hưng, Đỗ Thu. Đây là những ngư dân trẻ, dân quân biển nhiều năm qua kiên trì vượt khó bám biển Hoàng Sa để đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.