> Đại học phải kiểm định bắt buộc
> Cần phân loại các trường đại học
Ảnh: Hồng Vĩnh.
Giao quyền tự chủ - phải cụ thể
Theo ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương), dự thảo Luật còn né tránh những vấn đề rất cơ bản. Ví dụ, lẽ ra phải quy định cụ thể vấn đề như chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đại học quốc gia (mô hình đại học trong đại học –PV), nhưng dự thảo lại chuyển cho Thủ tướng quy định. Một vấn đề khác cũng rất quan trọng, giao quyền tự chủ cho các trường, vậy mà Luật chỉ có mấy gạch đầu dòng, còn lại cũng để Chính phủ quy định.
“Có lẽ nên lấy điều 28 ra, viết lại thành chương riêng về tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường ĐH. Phải làm rõ, tự chủ thì tự chủ như thế nào, đây là vấn đề rất quan trọng, cần cụ thể thì mới thực thi được. Nếu hỏi lãnh đạo các trường, Luật ban hành thì sẽ áp dụng vấn đề gì, chắc chắn đó là vấn đề tự chủ... Nhưng Luật lại né tránh. Chúng ta đã nói nhiều về luật ống, luật khung bây giờ lại có thêm luật né” - ĐB Đáng nói.
Cho rằng chúng ta không nên phức tạp hóa vấn đề, ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đặt câu hỏi “thực ra chúng ta muốn tự chủ GDĐH hay không?” Theo bà Lan, giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, phải tạo điều kiện để phát huy tính chủ động sáng tạo của nhà trường. Nếu các thầy không được chủ động, sẽ rất khó tạo ra được lớp học trò có sáng tạo. Nên để trường tự chủ về tài chính, tự xác định học phí bởi không thể rập khuôn theo khung công lập.
Mỗi trường có chuyên ngành đặc thù, đầu tư khác nhau, chỉ cơ sở GDĐH mới xác định được mức học phí nào là phù hợp. Bên cạnh đó, không nên để mức học phí công lập quá thấp như hiện nay, sẽ không thể đảm bảo chất lượng giáo dục.
Một số ĐB cũng cho rằng, nên để các trường chủ động trong tuyển sinh, Nhà nước chỉ hậu kiểm. “Không nên tuyển sinh 3 chung vì mỗi ngành nghề, mỗi trường có đặc thù riêng. Phải có cơ chế tuyển thế nào đó để lựa chọn được nhân tài, tránh định hướng dẫn đến học lệch, chạy theo thành tích. Có trường 100% tốt nghiệp cả 100% tốt nghiệp giỏi thì rất vô lý!” – ĐB Lan nói.
“Luật phải quy định về tự chủ cụ thể, chi tiết hơn. Nếu căn cứ vào nguyên tắc tại dự thảo này, không biết bao giờ mới thực hiện được. Đọc dự thảo luật, chúng ta cũng không biết phải làm những gì để được tự chủ. Như thế thì lại trở về cơ chế xin - cho. Nhà nước cần sớm ban hành tiêu chí để các trường ĐH thành lập trước năm 2000 có thể áp dụng cơ chế tự chủ ngay, chứ đợi Luật ra, chờ nghị định, rồi hướng dẫn thì không biết đến bao giờ!?” – ĐB Lê Văn Học (Lâm Đông) kiến nghị.
Kiểm định bắt buộc
Phát biểu về chất lượng các trường, ĐB Phạm Khánh Phong Lan thốt lên là rất “đau lòng” trước thực trạng sinh viên của chúng ta thông minh, cần cù, học ở nước ngoài đều thành đạt, nhưng học trong nước thì mãi không thay đổi được gì. ĐB Lan kiến nghị, tăng cường công tác kiểm định chất lượng ĐH. Tuy nhiên cần nâng cao vai trò của các tổ chức kiểm định độc lập, như các hiệp hội nghề nghiệp.
Một số ĐB cho rằng, hiện nay, mạng lưới các trường phát triển quá nhanh: Đến năm 2010 cả nước có 415 trường ĐH,CĐ, vượt quy hoạch của năm 2015, nhưng toàn trường yếu. Tỷ lệ giảng viên theo qui định phải đạt 25 SV/1 giảng viên, nhưng thực tế hiện nay đang là 70 SV/ giảng viên. Do vậy, Luật cần hướng đến ngăn ngừa khuynh hướng thương mại hóa giáo dục.
Theo ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai), phải đổi mới cơ chế chính sách, mở rộng quyền tự chủ gắn với kiểm định chất lượng. Tránh cho thành lập các trường dễ dãi, buông lỏng quản lý, trường không đủ giảng viên, không đủ cơ sở nhưng vẫn thành lập, vẫn hoạt động. Cần có sự phân biệt rõ về chất lượng gắn tên tuổi trường chứ không phải là phân biệt giữa trường công và trường tư.
Tránh địa phương nào cũng có trường nhưng trường không ra trường, giảng viên không đạt chuẩn, không thể học quản lý giáo dục mà đi dạy triết học. “Các hội đồng kiểm định cần có tính độc lập, hình thành như các tổ chức kiểm toán”- ĐB Vở nói.