Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho rằng, hình ảnh của các GS, PGS chân chính, chuyên nghiệp đã bị mờ đi bởi những ứng viên GS, PGS nghiệp dư làm cho "vàng thau lẫn lộn".
PV: Thưa TS Hoàng Ngọc Vinh, việc 41 ứng viên không được công nhận đạt chuẩn GS, PGS năm 2017 trách nhiệm thuộc về ai khi đã qua 3 vòng xét duyệt. Và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nói sẽ xử lý các cơ sở giáo dục công nhận số giờ giảng “khống”? Như vậy, liệu đã thỏa đáng chưa?
TS Hoàng Ngọc Vinh: Tôi ủng hộ Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong việc xử lý cơ sở giáo dục xác nhận không chuẩn xác giờ giảng hoặc thành tích của các ứng viên. Để xử lý việc xác nhận không đúng của người đứng đầu cơ sở GDĐH về giờ dạy hoặc công trình đã thể hiện sự thiếu trung thực cần căn cứ vào quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để xử lý về phương diện đạo đức nhà giáo (Luật giáo dục) và tiêu chuẩn GS, PGS tại Quyết định số 2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31 tháng 12 năm 2008.
Đối với hội đồng cơ sở và hội đồng ngành thì việc xem xét về phương diện thiếu trách nhiệm gây hậu quả, nhưng chưa có cơ sở luật pháp một cách chắc chắn để xử lý các thành viên trong Hội đồng.
Những thành viên hội đồng để lọt 41 hồ sơ ứng viên có thể không bị xử lý về mặt hành chính nhưng cần cấm không để tiếp tục tham gia ở các hội đồng xét chức danh sau này.
Đối với ứng viên, nếu có biểu hiện gian lận dù là nhà giáo hay cán bộ quản lý cũng cần thông báo về cơ quan để xử lý và có thể xem xét cả về mặt Đảng nếu là đảng viên vì vi phạm đạo đức của Đảng viên.
Người đứng đầu cơ sở GDĐH nhắm mắt xác nhận khống giờ giảng cũng nên hạ bậc công tác, kể cả chức danh và chịu kỷ luật về sự không trung thực. Rất nhiều trí thức phản ứng về việc này và vì thế cần xử lý nghiêm để lấy lại hình ảnh giáo dục đại học nước nhà. Sống và làm việc trong một Chính phủ kiến tạo mọi cán bộ công chức viên chức cần phải quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng không cho phép ai đó trong bộ máy đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng mà không hề hấn gì.
PV: Có ý kiến cho rằng, các tiêu chuẩn cứng của dự thảo Bộ công bố chưa thực sự nói lên trình độ khoa học của ứng viên. Ông có nghĩ như vậy không?
Qua dư luận xã hội các tiêu chuẩn cứng của dự thảo đã tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học. Tất nhiên, bộ phận soạn thảo cần tổng hợp các ý kiến của chuyên gia, xem xét so sánh cách làm của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới để mình khỏi quá lạc lõng.
Dự thảo mới nêu ra tiêu chuẩn còn nặng về định lượng, về mặt chất lượng, hiệu quả của các công trình nghiên cứu, bài báo chưa được quan tâm nhiều. Ngay cả tiêu chuẩn về trình độ tiếng Anh đánh giá qua chứng chỉ cũng chưa phản ánh được năng lực tiếng Anh phục vụ cho chuyên môn của ứng viên theo yêu cầu. Điều này dễ bỏ lọt những người chạy chọt cho có chứng chỉ ngoại ngữ. Việc xác định giờ giảng ở bậc ĐH cũng chỉ nói nhiều về mặt định lượng còn chất lượng giảng dạy mà sinh viên là người đáng được có ý kiến thì lại bỏ qua...
Tóm lại, các quy định của dự thảo khá chi tiết, rất phức tạp nhưng ít chú ý đến chất lượng và giá trị, sản phẩm đầu ra của các ứng viên như thế nào. Vì thế, rất cần lượng hóa để đo năng lực và giá trị của ứng viên theo cách tiếp cận ở đầu ra. Ngay việc chia theo nhóm ngành hoặc ngành để sắp xếp hội đồng có thể bất cập do khoa học - công nghệ hiện nay mang tính tích hợp liên ngành không phải chỉ 2 hay 3 ngành mà còn nhiều hơn nữa như Điện tử - Sinh học - Y khoa - CNTT ...thì việc đánh giá công trình đối với hội đồng ngành không hề dễ dàng.
Rất khó suy đoán về hơn 1000 hồ sơ khác đã được thông qua
PV: Đại diện thanh tra Bộ GD cho rằng Bộ chỉ rà soát thông tin đánh giá hồ sơ chứ không có thẩm quyền đánh giá chuyên môn. Theo ông, liệu hơn 1.000 GS, PGS được công nhận vẫn bị "lọt" những người “thiếu” và không đủ tiêu chuẩn không?
Thẩm quyền của Thanh tra cũng chỉ rà soát, kiểm tra về mặt hồ sơ khai báo của các ứng viên và người ta cũng không có đủ trình độ chuyên môn ở rất nhiều lĩnh vực và kết quả rà soát 94 hồ sơ các ứng viên tôi cho là làm việc rất nghiêm túc và trách nhiệm của Thanh tra Bộ GDĐT.
PV: Như vậy, dư luận xã hội có quyền nghi ngờ về con số cũng như kết quả lần này, thưa ông?
Trong số 94 hồ sơ cần được xem xét không phải do lựa chọn ngẫu nhiên nên rất khó suy đoán về hơn 1000 hồ sơ khác đã được thông qua.
Tuy nhiên, do cách làm thiếu công khai minh bạch, thiếu ứng dụng công nghệ, chất lượng thành viên hội đồng hạn chế và văn hóa thiếu trung thực vẫn còn trong giới trí thức thì người ta hoàn toàn có quyền nghi ngờ sẽ còn không ít những ứng viên lọt sàn về phương diện kê khai, về năng lực chuyên môn cũng như khả năng sử dụng ngoại ngữ.
Việc lùm xùm thì rồi cũng xong tất cả vui vẻ ra về nhưng điều đáng buồn là hình ảnh của các GS, PGS chân chính, chuyên nghiệp đã bị mờ đi bởi những ứng viên GS, PGS nghiệp dư làm cho " vàng thau lẫn lộn".
Xin cảm ơn ông!