Lãnh đạo Trung Quốc đã vài lần tuyên bố “Trung Quốc không có gien xâm lược” hay “không có gien bá quyền và quân phiệt”. Tuy nhiên, phó giáo sư Li Mingjiang của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, nhận xét: “Những gì Trung Quốc làm khác xa những gì họ nói”.
Hai nhật báo lớn của Pháp Le Monde và Les Echos mới đây phân tích động cơ đằng sau những hành vi gây hấn nguy hiểm của Trung Quốc trên biển Đông. Hai báo này nhận định, Bắc Kinh đang sử dụng chiến thuật bao gồm “cưỡng bức”, “răn đe” hay “sự đã rồi”, nhằm áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của mình trên toàn bộ biển Đông.
Trong bài “Bắc Kinh áp đặt điều kiện của mình trên biển Đông”, tác giả Brice Pedroletti viết rằng, Trung Quốc gần đây chơi trò “cưỡng ép và răn đe” với các nước láng giềng, trong tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.
Theo tác giả Pedroletti, cùng việc mạo danh “quyền lịch sử”, Trung Quốc đang cố làm đảo lộn hiện trạng về biên giới biển. Hành động hung hăng của Bắc Kinh được giải thích bởi hai yếu tố: Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ và khao khát trở thành một cường quốc hải quân. Một chuyên gia phương Tây nhận định, Bắc Kinh có bốn động cơ trong tham vọng biển: Mở lối ra vùng biển sâu cho các cơ sở hàng hải và tàu ngầm hạt nhân tại Hải Nam; bảo vệ tuyến vận tải hàng hải; bảo đảm nguồn thủy sản và tài nguyên; thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước.
Một nhà nghiên cứu khác thuộc Trung tâm Stimson Washington cũng nhận định, cái gọi là sự “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc được tiến hành bằng hành động cưỡng bức và răn đe. Không chỉ lên gân sức mạnh quân sự, Bắc Kinh còn dùng đòn kinh tế để đe nẹt các quốc gia có tranh chấp phải nhượng bộ, bộc lộ rõ thái độ hung hăng.
Theo Les Echos, với chiến thuật “sự đã rồi”, Bắc Kinh đang đặt các nước láng giềng trong tình trạng báo động. Trung Quốc muốn thử phản ứng của từng quốc gia và tùy theo hệ quả để quyết định sẽ lấn tới hay không.
Theo học giả Jean- Fran ois Di Meglio, Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược “tiến ba bước rồi lùi lại hai bước”. Tuy nhiên, Trung Quốc không dễ tự tung tự tác với chiến lược “trỗi dậy hòa bình” và đây thực sự là một cuộc phiêu lưu cực kỳ nguy hiểm. Tham vọng phá vỡ trật tự và lợi ích của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương có vẻ là một ảo tưởng quá sức đối với Trung Quốc.
“Giấc mộng Trung Hoa” không chỉ thách thức quyền lực thống trị của Mỹ mà còn “chặn” đường sinh tồn của một loạt tay chơi lớn như Nhật Bản, Ấn Độ, thậm chí đụng đến cả lợi ích của đối tác Nga.
Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe và tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đều tỏ rõ thái độ cương quyết với tư cách những đối trọng nặng ký của Trung Quốc trong cơ cấu an ninh khu vực.
Giáo sư Mohan Malik thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương nhận định, trớ trêu hơn, chính Trung Quốc lại trở thành nhân tố tạo thuận lợi cho chiến lược xoay trục của Mỹ.
Chính sự kiêu ngạo, hung hăng của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực tăng cường cảnh giác và hầu hết đều lựa chọn Mỹ để cân bằng quyền lực trước ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc.
Giáo sư Malik nhận định, chẳng ai muốn thay thế sự lãnh đạo của Mỹ bằng quyền bá chủ Trung Quốc. Những mối liên kết đang nhanh chóng hình thành, các nước Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Indonesia, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam, Philippines sẽ làm tất cả nhằm cân bằng quyền lực trước tham vọng thống trị theo mô thức thiên triều đã lỗi thời.