Hôm qua, Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh có liên hệ với những chiến lược gia quân sự của Trung Quốc nói rằng, những bước đi của Bắc Kinh nhằm vũ trang và mở rộng căn cứ lâu dài ở Hoàng Sa rất có thể sẽ được sao chép ở những đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách Hoàng Sa khoảng 500km về phía nam. Cuối cùng, cả hai quần đảo này sẽ bị sử dụng để phục vụ hoạt động của các máy bay chiến đấu và giám sát thường xuyên, bao gồm tuần tra của máy bay chống ngầm, các nhà ngoại giao và chuyên gia an ninh nhận định.
Hai quần đảo này cũng sẽ là nơi ở của một lượng dân đáng kể nhằm chống đỡ cho những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh. Điều quan trọng là những cơ sở này sẽ giúp Trung Quốc đủ khả năng thiết lập một vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông, như họ đã làm trên biển Hoa Đông trong năm 2013.
Giới chức Mỹ cuối tuần qua xác nhận Trung Quốc mới đây đã đưa các tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm - nơi có sự hiện diện mạnh nhất của Trung Quốc ở Hoàng Sa. Đồng thời Washington chỉ trích đây là hành động đi ngược lại cam kết của Trung Quốc là không quân sự hóa biển Đông.
Reuters dẫn lời ông Ian Storey, một chuyên gia về biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, cho rằng, trong 1-2 năm tới, Trung Quốc sẽ đưa những vũ khí tương tự ra những đảo thuộc Trường Sa mà nước này đang chiếm đóng trái phép. “Điều đó sẽ giúp Trung Quốc củng cố những cảnh báo của họ bằng năng lực thực sự”, ông Storey nói.
Ông Bonnie Glaser, một nhà phân tích quân sự tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và An ninh tại Washington, cho rằng, việc tích lũy vũ khí, khí tài ở Hoàng Sa có thể là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ đưa những vũ khí tương tự ra các bãi đã ở Trường Sa mà Trung Quốc gần đây cải tạo trái phép. Chính quyền Trung Quốc vin vào hoạt động của Mỹ trên biển Đông để biện hộ cho những bước đi nguy hiểm của họ. Ông Glaser cho rằng, Bắc Kinh “đã có kế hoạch trước rồi”.
Tận dụng các cơ sở lưỡng dụng
Trung Quốc mở rộng các căn cứ ở Hoàng Sa trước khi bắt đầu cải tạo quy mô lớn trên 7 bãi đá ở Trường Sa cách đây 3 năm. Bắc Kinh cho các máy bay chiến đấu mang theo vũ khí hạ cánh xuống một sân bay mở rộng trên đảo Phú Lâm vào tháng 11 năm ngoái, và cũng đã hoàn thành việc gia cố các cơ sở chứa máy bay, các nhà ngoại giao khu vực cho biết. Những cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển và đánh bắt cá được mở rộng, cùng với cơ sở chứa nhiên liệu dự trữ và nhà ở cho hơn 1.000 dân trên cái họ gọi là “thành phố Tam Sa” từ năm 2012.
Các thiết bị giám sát điện tử và độ phủ của radar cũng đã được nâng cấp. Giới phân tích cho rằng, Hoàng Sa sẽ đóng vai trò then chốt trong nhiệm vụ bảo vệ hạm đội tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, cách Hoàng Sa 200km về phía bắc. Nếu Trung Quốc tích lũy vũ khí tương tự như vậy trên quần đảo Trường Sa, họ sẽ đạt được sự hiện diện quân sự lâu dài đầu tiên sâu trong trái tim hàng hải Đông Nam Á, các quan chức quân sự nhận định.
Chính quyền Trung Quốc luôn nhấn mạnh mục đích dân sự của hoạt động mở rộng ở Trường Sa, bao gồm hải đăng, căn cứ tìm kiếm và nghiên cứu cùng các trạm nghiên cứu môi trường. Ba đường băng được hoàn thành gần đây và Trung Quốc tháng trước thông báo thử hạ cánh thành công các máy bay dân sự trên đường băng dài 3.000m trên đá Chữ Thập. Giới phân tích Trung Quốc nói rằng, những chuyến bay quân sự đầu tiên của họ từ quần đảo Trường Sa có thể bắt đầu trong vài tháng tới.
Ông Wu Shicun, Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Đông (Trung Quốc), nói rằng, những bài học rút ra từ sự mở rộng ở Hoàng Sa có thể được áp dụng ở Trường Sa, đặc biệt là để quản lý nguồn cung cấp nước và xử lý rác thải. Bà Yanmei Xie, một nhà phân tích an ninh tại Bắc Kinh và đang làm việc cho Tổ chức cố vấn quản lý khủng hoảng quốc tế, nói rằng, Trung Quốc sẽ khai thác những cơ sở lưỡng dụng, như các hệ thống radar và đường băng ở Trường Sa, nhưng sẽ thận trọng trong việc công khai triển khai thiết bị quân sự.
“Quần đảo Trường Sa phức tạp hơn nhiều vì liên quan nhiều nước. Trung Quốc sẽ bị tổn hại lớn hơn về ngoại giao và địa chính trị nếu làm như vậy”, bà Xie nói.
Đe dọa hoạt động thương mại
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hôm qua nói rằng, các chuyến bay thương mại vẫn phải tiếp tục bay ở biển Đông, cho dù có nguy cơ xảy ra “tính toán sai lầm” từ việc Trung Quốc đưa tên lửa vào khu vực tranh chấp.
Trong chuyến thăm Bắc Kinh vừa qua, bà Bishop đã nêu vấn đề “gây lo ngại sâu sắc” về hành động triển khai tên lửa của Trung Quốc. “Họ nói rằng, trong bất kỳ sự kiện nào, họ cũng có quyền thiết lập các cơ sở phòng vệ”, bà Bishop hôm qua kể lại trong chương trình Insiders (Người trong cuộc) của đài ABC. “Chúng ta đang nói về một khu vực - nơi các máy bay dân sự đi qua, nơi có rất nhiều hoạt động hàng hải, vì đó là tuyến đường thương mại quan trọng, không chỉ với Úc mà cả những nước khác… Quan điểm của tôi là nếu có các tên lửa đất đối không ở khu vực các máy bay thương mại bay qua thì sẽ có nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm”, bà Bishop nói.
Trả lời câu hỏi liệu ngành hàng không thương mại nên phản ứng như thế nào trước nguy cơ này, bà Bishop cho rằng, các tàu biển và máy bay thương mại “nên tiếp tục hoạt động như bình thường… vì Trung Quốc đã hứa sẽ không quân sự hóa”. Bà Bishop tái khẳng định lời kêu gọi của Úc rằng, tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông nên ngừng hoạt động cải tạo. “Một số nước có cải tạo và xây dựng ở đó, nhưng quy mô và tốc tốc cải tạo của Trung Quốc vượt xa tất cả các nước còn lại”, bà Bishop nói.