Trời còn để có hôm nay…

TP - Một tuần trôi qua thật nặng nề. Tội ác, tai nạn, chết chóc chèn lên nhau trong những bản tin. Đỉnh điểm là vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước. Tội ác luôn mang những gương mặt quen thuộc, nhân danh mọi thứ tình cảm quen thuộc vốn của con người, nhưng “kỷ lục máu” thì luôn bị bứt phá.

Nhưng trong tuần, cũng chợt sáng lên bởi câu Kiều:“Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Đặc biệt khi câu thơ tài tình hàm nghĩa sâu xa ấy lại được Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bất ngờ lẩy tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư. Khi hai bên cùng vượt lên trên biết bao khó khăn trong lịch sử…

Từ nhiều trăm năm trước, trải qua bao tao loạn, thi hào Nguyễn Du ắt nhận ra rằng, những gì là của “hôm nay”, dẫu chờ đợi hay không chờ đợi, thì cái gì đến sẽ phải đến. Thời chúng ta đang sống cũng vậy. Như tội ác. Nó sẽ đến, phải đến. Khi con người buộc phải gặt lấy những gì đã gieo vãi, là lòng hận thù, lạc hướng, mất niềm tin. Và còn gì nữa? Một cơ chế lỗi thời, chệch choạc, không đủ để giáo dục con người làm người tốt, và ngăn ngừa thành kẻ xấu?

Ngay trong trận chiến truyền thông những ngày này, người đưa tin nếu không tỉnh táo cũng rất dễ biến thành kẻ ác. Không khéo sẽ khai thác quá đà, moi móc thượng vàng hạ cám, thậm chí có lúc còn tuồn ra những thông tin “dựng đứng” để câu view. Còn cư dân mạng, đã xuất hiện hàng loạt trang facebook giả mang tên nghi phạm chủ mưu giết hại gia đình 6 người ở Bình Phước để câu like. Cái ác mang nhiều khuôn mặt, nhiều lúc tưởng như trò đùa.

Và ngược lại, những điều tốt đẹp ắt hẳn cũng vậy. Cũng sẽ đến, luôn đến, dù có đợi hay không. Như âm-dương, tối-sáng không rời nhau. Gần hai chục y bác sĩ ở Hà Nội bị phơi nhiễm HIV trong quá trình khẩn trương cứu sống một sản phụ. Hôm qua hàng chục ngư dân Bình Định bị sóng đánh chìm tàu giữa Trường Sa, chơi vơi kiệt sức suốt gần 2 ngày trời đã được những người cứu hộ không quản gian nguy vượt sóng gió ra cứu sống. Trong ngày hôm qua, hàng ngàn bạn trẻ Hà Nội đã hiến máu tình nguyện. Hàng trăm trí thức trẻ tình nguyện cũng vừa hành quân lên những vùng gian khó Tây Bắc…

“Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân”. Người Mỹ dường như có nhãn quan đặc biệt về truyện Kiều của Việt Nam. Khi năm 2000, Bill Clinton trong cương vị Tổng thống Hoa Kỳ, trong chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội, cũng đã lẩy đôi câu Kiều trên trong lúc chuyện trò.

Thực ra không hẳn vì truyện Kiều, cũng không phải sính thơ. Mà đó là bài học lạc quan biết vượt lên để cân bằng sống trước những thảm họa. Bằng cả sự tôn trọng và biết ơn.

Đời dù thế nào, vẫn cần hướng đến điều tốt đẹp, dù chúng luôn ẩn khuất, không kích thích bằng những vụ thảm sát. Vẫn cám ơn Trời còn để có hôm nay…