Triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của thành phố Huế trực thuộc Trung ương

TPO - Theo Nghị quyết 175, Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị cấp huyện, 133 đơn vị cấp xã.

Ngày 4/12, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế) cho biết, tỉnh bắt đầu triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương có diện tích 4.947,11 km2, quy mô dân số là 1.236.393 người.

Tên gọi mới là Thành phố Huế

Theo Nghị quyết 175, Quốc hội quyết nghị thành lập thành phố Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11 km2 và quy mô dân số là 1.236.393 người của tỉnh TT-Huế.

Cùng với đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh tỉnh TT-Huế được đổi tên để hoạt động với tên gọi Thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Tỉnh TT-Huế sẽ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế (trực thuộc tỉnh) làm cơ sở thành lập các quận thuộc thành phố Huế (trực thuộc Trung ương).

Còn theo Nghị quyết 1314 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TT-Huế sẽ sắp xếp các ĐVHC cấp xã thuộc thành phố Huế (trực thuộc tỉnh) để làm cơ sở thành lập các quận thuộc thành phố Huế (trực thuộc Trung ương).

Cụ thể, thành lập phường Long Hồ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hương Thọ và phường Hương Hồ; thành lập phường Thuận An trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Hải Dương và phường Thuận An; thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phú Dương, xã Phú Mậu và xã Phú Thanh; thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số người của xã Thủy Bằng; thành lập phường Hương Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Hương Phong.

Hai quận Phú Xuân, Thuận Hóa của thành phố Huế trực thuộc Trung ương nằm ở phía bắc và nam sông Hương.

Đối với các quận thuộc thành phố Huế, thành lập quận Phú Xuân trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố Huế (trực thuộc tỉnh). Quận Phú Xuân có 13 phường, gồm An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Kim Long, Long Hồ, Phú Hậu, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc.

Thành lập quận Thuận Hóa trên cơ sở diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thành phố Huế (trực thuộc tỉnh) sau khi điều chỉnh theo quy định tại Nghị quyết nêu trên. Quận Thuận Hóa có 19 phường, gồm An Cựu, An Đông, An Tây, Dương Nỗ, Hương Phong, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thượng, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Thuận An, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ và Xuân Phú.

Thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận.

Thành lập thị xã Phong Điền thuộc thành phố Huế (trực thuộc Trung ương) trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của huyện Phong Điền.

Tại thị xã Phong Điền sẽ thành lập phường Phong Thu trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của thị trấn Phong Điền và xã Phong Thu; thành lập phường Phong Hải trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Hải và xã Phong Hải; thành lập phường Phong Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Lộc và xã Điền Hòa; thành lập phường Phong An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Phong An; thành lập phường Phong Hiền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phong Hiền; thành lập phường Phong Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Phong Hòa; thành lập xã Phong Thạnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Điền Hương và xã Điền Môn.

Một góc huyện Phong Điền (sẽ trở thành thị xã) nhìn từ trên cao.

Sau khi thành lập, thị xã Phong Điền có 12 ĐVHC cấp xã, gồm 6 phường: Phong An, Phong Hải, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Phú, Phong Thu và 6 xã: Phong Bình, Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Thạnh, Phong Xuân.

Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc. Thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Lộc Sơn.

Sau khi sắp xếp và thành lập thị trấn, huyện Phú Lộc có 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã là Giang Hải, Hương Hữu, Hương Lộc, Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân, Lộc An, Lộc Bình, Lộc Bổn, Lộc Điền, Lộc Hòa, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Vĩnh, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Xuân Lộc và 4 thị trấn là Khe Tre, Lăng Cô, Lộc Sơn, Phú Lộc.

Kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành, thành phố Huế có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 4 huyện, 3 thị xã và 2 quận; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 7 thị trấn.

Tạo sự đồng thuận cao

Tỉnh TT-Huế dự kiến tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 12 này.

TT-Huế hiện chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bộ máy trong hệ thống chính trị từ thành phố Huế trực thuộc Trung ương đến cấp huyện, xã mới được hình thành sau khi sắp xếp, thành lập, đảm bảo đi vào hoạt động ổn định, thông suốt; tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh TT-Huế yêu cầu hoàn thành việc tổ chức, sắp xếp các tổ chức đảng, đoàn thể, ban, ngành, cơ quan hành chính các cấp, các đơn vị, cơ sở giáo dục, y tế, các đơn vị sự nghiệp công lập; thành lập cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan ngành dọc khác trước ngày 1/1/2025.

Toàn tỉnh sẽ sớm hoàn thành việc điều chỉnh các thủ tục hành chính, thu hồi con dấu cũ và đăng ký con dấu mới của các cơ quan, đơn vị hành chính có liên quan sau khi thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.