Trách nhiệm quốc gia

TP - Gần đây, hai câu chuyện liên quan các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được báo Tiền Phong đề cập.

Đó là việc doanh nghiệp chuyển giá nhằm trốn thuế và doanh nghiệp vào Việt Nam đầu tư, nhưng chỉ mang chút vốn tượng trưng, còn lại vay vốn ngân hàng trong nước, sau đó bỏ về nước để lại đống nợ cả trăm triệu USD (Phú Thọ, Hải Dương).

Cả hai câu chuyện này, nhìn lại thấy ngoài lỗ hổng của pháp luật, còn có sự tắc trách của cán bộ công quyền. Bốn nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, đầu tư vào Phú Thọ, sau khi làm ăn thất bát, đã bỏ lại cục nợ hơn chục triệu USD vay Agribank Phú Thọ, có phần trách nhiệm của chính cơ quan thẩm định hồ sơ cho vay vốn và cơ quan thẩm định cấp phép là Sở KH&ĐT Phú Thọ.

Hay như chuyện chuyển giá của cả ngàn doanh nghiệp FDI mà ngành thuế đã và đang thanh tra, nó diễn ra nhiều năm qua, nhưng chỉ tới năm 2011 mới được cơ quan này tập trung nguồn lực thanh kiểm tra tổng thể.

Mới chỉ qua thanh tra gần 600 doanh nghiệp FDI, ngành thuế đã truy thu và phạt được hơn 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước. Nếu tính trong nhiều năm qua và cả những doanh nghiệp chưa bị lộ, không biết số tiền thuế thất thu những năm qua, chỉ riêng với các doanh nghiệp FDI, lên tới bao nhiêu ngàn tỷ đồng?

Việt Nam vẫn là một nước nghèo, mỗi kỳ họp cuối năm, các đại biểu Quốc hội không khỏi đau đầu mỗi khi phải bấm nút chia “chiếc bánh” ngân sách. Nhưng người ta lại có thể thiếu trách nhiệm với quốc gia, để lọt lưới hàng ngàn tỷ đồng chảy ra nước ngoài.

Chưa kể, việc để doanh nghiệp FDI chuyển giá, còn tạo ra sự bất bình đẳng, làm giảm tính cạnh tranh, thậm chí có thể giết chết doanh nghiệp trong nước.

Người dân và doanh nghiệp lâu nay thường bất bình khi ngành điện đòi tăng giá, bởi họ có lý do khi mà tỷ lệ tổn thất điện năng của ngành này luôn cao, thì nay họ cũng có quyền bất bình, khi mà ngành thuế còn để thất thu lớn từ chính các đối tượng chịu thuế.

Theo Báo giấy