> Libya: Vũ khí bị cướp có thể rơi vào tay khủng bố
> Những lao động Việt Nam tá túc tại biên giới Tunisia
Suốt dọc đường lên biên giới là những trạm gác tạm để kiểm soát dòng người di tản đổ bộ vào Tunisia. Thậm chí, người ta bố trí hẳn một xe tăng dọc đường đi ở đầu thị trấn Zarzis. Thỉnh thoảng, những chiếc xe tải quân sự dường như chở khí tài vùn vụt chạy về hướng biên giới. Còn xe buýt chở người tị nạn thì liên tục chạy ngược lại về phía thành phố Djerba có sân bay cùng tên. Càng đến gần biên giới, các bốt gác xuất hiện càng dày đặc với lính vũ trang bằng AK hoặc tiểu liên.
Cách biên giới chừng 20 km trên lãnh thổ Tunisia, hàng trăm lều trắng có in dòng chữ Cao ủy Liên Hợp Quốc (UNHCR) san sát dọc đường. Đây có lẽ là nơi dành cho những công dân kém may mắn không được hỗ trợ về nước. Một toán người có vẻ như đang tập cách phản đối khi một người vừa giơ tấm biển nhỏ làm vội từ bìa các tông, vừa hướng dẫn những người khác cách đi đứng và hô khẩu hiệu.
Đến biên giới, lại thêm một bốt gác có đông lính vũ trang. Một hàng rào kẽm gai được thiết lập để tạo thành một khu đệm. Tất cả những người di tản từ bên kia biên giới sang nếu chưa có giấy tờ hợp lệ hoặc chưa có cơ quan chức năng bảo lãnh sẽ không được rời khỏi khu vực này. Khi thấy ô tô của chúng tôi tiến vào, có cảm giác cả rừng người trừng mắt nhìn.
Chúng tôi mới đầu không dám chui ra khỏi xe vì sợ bị biển người với đủ quốc tịch tấn công. Tuy nhiên, khi thấy có bóng dáng cảnh sát và quân đội, chúng tôi bớt lo và ra khỏi xe. Ngay lập tức, các nhóm người tiến về phía chúng tôi hỏi han và cầu cứu.
Có người còn hỏi: “Hàn Quốc à? Chủ chúng tôi người Hàn Quốc đấy”. Tôi nói, tôi là nhà báo và họ giãn ra. Biển người ước tính cả trăm nghìn, đa số là dân Ai Cập và Bangladesh. Họ nằm lăn lóc giống như những đống rác bên cạnh. Quả thật, trong làn bụi mù mịt cũng khó để nhận biết đâu là người, đâu là rác.
May thay, khu vực biên giới có nắng, chứ nếu trời mưa, chắc chắn nơi này sẽ lầy lội. Có lẽ quá bất lực, những lao động di cư người Bangladesh hễ thấy nhà báo quốc tế ở đâu là giơ tấm biển nhựa vẽ hình máy bay và tàu thủy với lời kêu gọi: “Chúng tôi là người Bangladesh. Làm ơn hãy giúp chúng tôi hồi hương”. Đây có thể là lý do giúp chúng tôi tác nghiệp khá an toàn trong mớ hỗn độn. Những người chạy loạn cần tới truyền thông để thế giới biết họ đang gặp thảm họa nhân đạo.
Chúng tôi để ý thấy những người di tản Ai Cập và Bangladesh gương mặt đầy vẻ tủi hận. Họ cứ chờ đợi trong khắc khoải. Cũng đúng thôi, Ai Cập đang khủng hoảng chính trị nên khó ai để ý dân chạy loạn về nước. Bangladesh thì nghèo và xa xôi. Qua đó mới thấy, người lao động Việt Nam may mắn hơn gấp nhiều lần so với những công dân khác còn bị kẹt ở biên giới phần lãnh thổ Tunisia. Chính phủ Việt Nam liên tục và nhanh chóng lập cầu hàng không sang tận Ai Cập, Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ, Mantal…
Việc điều chuyển đồng bào từ biên giới ra sân bay cũng khẩn trương và nhanh gọn. Giữa biển người tị nạn tại biên giới, chúng tôi có cảm nhận rằng các lao động Việt Nam tự tin hơn hẳn. Tất cả tập trung ngồi thảnh thơi một góc, không thiết tha chuyện ăn uống hay cướp bóc như những gì đang diễn ra trước mắt.
Ngoài chuyện than thở bị lính gác biên giới phía Libya thu điện thoại, các lao động Việt Nam liên tục hỏi khi nào được ra sân bay. Nhiều người ăn mặc comple chỉnh tề. Có người còn nói: “Ăn uống ở đây, các tổ chức cứu trợ nhân đạo phát thường xuyên. Chỉ sợ không có sức mà ăn. Có điều, nằm đêm ngoài trời quá lạnh”.
Cả bãi đất rộng bụi mù vì cả trăm nghìn người di chuyển không ngừng: ăn, ngủ, vệ sinh… ngay tại chỗ. Hôi hám, bẩn tưởi, hỗn độn, bất an, khiếp đảm là những từ mà bất cứ ai chứng kiến cảnh tị nạn tại biên giới Libya - Tunisia cũng có trong đầu. Lo ngại xảy ra dịch bệnh, nhà chức trách địa phương thường xuyên phun thuốc khử trùng.
Chúng tôi tới sát cửa khẩu Res JeDire xin được sang lãnh thổ Libya. Mấy viên lính biên phòng Tunisia trố mắt ngạc nhiên và đẩy chúng tôi ngược trở lại. Phía bên kia trên lãnh thổ Libya cũng có một khu vực đệm để người di tản trú chân tạm nhưng sát cửa khẩu thì im ắng lạ thường. Trực sẵn nơi cửa khẩu là nhiều tổ chức cứu trợ như Trăng lưỡi liềm đỏ và các báo, đài ở nhiều nước châu Âu túc trực nghe ngóng thông tin. Trên đầu chúng tôi, trực thăng bay ầm ầm...
Đình Thắng
Từ Tunisia