Toàn cảnh đường vành đai hàng chục nghìn tỷ ở Hà Nội

Sau khi cầu Nhật Tân hợp long, vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội với tổng chiều dài 43,6 km. Hiện các gói thầu đang được gấp rút thi công.

Đường vành đai 2 là tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội có tổng chiều dài là 43,6 km. Tuyến đường chạy qua các điểm khống chế như Vĩnh Tuy - Minh Khai - Đại La - Ngã Tư Vọng - đường Trường Chinh - Ngã Tư Sở - đường Láng - Cầu Giấy - Bưởi - Nhật Tân - Vĩnh Ngọc - Đông Hội - cầu chui Gia Lâm - khu công nghiệp Hanel - Vĩnh Tuy tạo thành một vòng tròn vành đai khép kín.

Hiện nay gói thầu 1A xây dựng đường từ Nhật Tân đến Xuân La dài 1,718 m cơ bản đã hoàn thành. Gói thầu hợp phần 2 đoạn từ đầu đường Hoàng Quốc Việt - Bưởi bắt đầu thi công những hạng mục đầu tiên.

Đoạn Nhật Tân - Xuân La - Bưởi - Cầu Giấy dài 6,4 km với tổng mức đầu tư 304,7 triệu USD (tương đương 6,4 nghìn tỷ đồng) đã được khởi công xây dựng từ 22/3/2012, dự kiến hoàn thành vào năm 2015.

Bắt đầu từ nút giao Bưởi - Hoàng Quốc Viêt, đoạn đường vành đai 2 chạy uốn lượn dọc bờ sông Tô Lịch qua địa phận phường Nghĩa Đô, Quan Hoa (Cầu Giấy), phường Vĩnh Phúc, Cống Vị (quận Ba Đình) đến điểm cuối là ngã tư Cầu Giấy.

Đường vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy là hợp phần quan trọng của dự án, theo tiêu chuẩn đô thị loại một. Đường sau khi xây dựng có bề rộng từ 58-64 m, bố trí mỗi bên hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, hai làn xe hỗn hợp, vỉa hè mỗi bên rộng  8 m và dải phân cách giữa từ 3-9 m.

Tuyến đường vành đai 2 từ Nhật Tân về nút giao thông Cầu Giấy có chiều dài khoảng 6,1 km. Dự án tập trung vào xây dựng tuyến xe buýt nhanh, vận chuyển khối lượng lớn hành khách Láng Hạ - Giảng Võ và kết nối trung tâm Thủ đô đến sân bay quốc tế Nội Bài nhằm giảm áp lực giao thông trên tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện tại.

Gói thầu Bưởi - Cầu Giấy mới thi công mới chỉ được 50% khối lượng, nếu các bên liên quan có hoàn thành bàn giao nốt các phần mặt bằng còn lại trong tháng 8 này, cũng phải đến tháng 6/2015 dự án xây dựng nút giao thông Cầu Giấy mới hoàn tất, chậm so với kế hoạch ban đầu nửa năm.

Một phần cây cầu vượt qua ngã tư Cầu Giấy đã hình thành. Thiết kế cây cầu dài 271 m với 8 nhịp, kết cấu dầm liên tục, bản rỗng, có giá trị xây lắp là 264 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng) do Tổng công ty xây dựng Thăng Long và Công ty CP đầu tư phát triển Thăng Long thi công.

Đoạn từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ (dài 823m, gồm cầu sông Lừ). Đến nay đã thông xe bên phải tuyến, đang thi công bên trái tuyến, dự kiến sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng phần diện tích còn vướng trong quý IV/2014 để thi công phần còn lại và hoàn thành trong quý I/2015.

Đoạn từ Tôn Thất Tùng đến phố Vương Thừa Vũ (dài 634m) dự kiến hoàn thành trong quý IV/2015. Đây là điểm nóng về ùn tắc giao thông nhiều năm nay, nhất là vào giờ cao điểm.

Với chiều dài 1.9 km tính từ phố Vương Thừa Vũ đến đường Giải Phóng, đường mới vành đai 2 rộng từ 53 đến 57 m, có giải phân cách giữa rộng 4m, vỉa hè 6 m, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng. Nhìn từ trên cao tuyến đường có kinh phí hơn 2500 tỷ đồng đang thi công trở nên ngoằn ngoèo như một con sông bởi đã bị bẻ cong sau một vài khúc mắc.

Cầu qua sông Lừ đã thi công 3/4 mố, dự kiến đến tháng 10/2014 hoàn thành phần cầu bên trái tuyến, phần cầu bên phải sẽ hoàn thành trong quý I/2015.

Các đoạn đường như cầu Nhật Tân, đường Bưởi, Ngã Tư Sở, Trường Chinh, cầu sông Lừ, Ngã Tư Vọng, Đại La vẫn chưa thi công do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và sắp xếp tái định cư nơi ở mới cho người dân chưa hoàn tất.

Khi cầu Nhật Tân và cầu Đông Trù hoàn thành sẽ giúp khép kín đường vành đai 2. Đồ họa: Nguyên Anh.

Theo Anh Tuấn

Theo Zing