Xây dựng đô thị hai bên tuyến đường Nhật Tân-Nội Bài:

Cần cơ chế linh hoạt thu hút đầu tư

Hình ảnh tuyến đường hiện đại trong tương lai. Ảnh: Minh Tuấn
Hình ảnh tuyến đường hiện đại trong tương lai. Ảnh: Minh Tuấn
TP - Sáng qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã nghe báo cáo và cho ý kiến đối với việc xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, tuyến đường được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Cần 20 nghìn tỷ đồng 

UBND thành phố Hà Nội cho biết, phạm vi đất nghiên cứu xây dựng khu đô thị hai bên tuyến đường lên tới 2.080 ha trên phạm vi 8 xã thuộc huyện Đông Anh và 3 xã thuộc huyện Sóc Sơn. Tại đây sẽ xây dựng đô thị biểu tượng bên sông, đô thị sinh thái, đô thị cửa ngõ với định hướng công nghiệp-thương mại-nông nghiệp.

Mục tiêu là hình thành trục đô thị hiện đại, kiểu mẫu và tạo điểm nhấn về quy hoạch, kiến trúc và phát triển đô thị của Thủ đô, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội khu vực Bắc sông Hồng. Tổng vốn đầu tư riêng cho hạ tầng kỹ thuật lên tới hơn 20 nghìn tỷ đồng.

Hai phương án đầu tư được đưa ra, gồm: Phương án 1: Toàn bộ khu vực xác định là 1 dự án tổng thể. Việc triển khai và quản lý dự án do một nhà đầu tư chủ trì thực hiện đồng bộ theo tiến độ được duyệt. Ưu điểm là việc quản lý của cơ quan nhà nước đối với khu vực và với 1 nhà đầu tư tổng thể sẽ thuận lợi hơn.

Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật có thể theo cơ chế nhà đầu tư ứng trước, thực hiện theo phân kỳ đầu tư và do vậy sẽ giảm gánh nặng về cân đối nguồn vốn giai đoạn đầu cho các công trình kết cấu hạ tầng.

Phương án 2: Khu vực đô thị được chia làm 14 dự án thành phần. Ưu điểm là việc thực hiện đầu tư sẽ không phụ thuộc vào một nhà đầu tư như phương án 1. Tuy nhiên hạn chế là việc đầu tư kết cấu hạ tầng khung ngoài hàng rào dự án sẽ khó thực hiện.

Nguồn vốn từ đâu? 

Việc huy động vốn cho dự án khổng lồ này thu hút nhiều ý kiến góp ý. Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố cho rằng: Phương án giao cho một nhà đầu tư tốt về quản lý nhưng sợ doanh nghiệp khó huy động tới hàng chục nghìn tỷ đồng, cần phân ra thành 14 dự án thành phần.

Tuy nhiên, ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy lại đề nghị cân nhắc khi chia quá nhỏ các dự án vì như vậy sẽ rất khó kêu gọi được các nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước tham gia.

Ông Dực kiến nghị cần phải có cơ chế hết sức linh hoạt về tài chính, đầu tư, đất đai để thực hiện dự án. Thậm chí để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư có thể đề nghị HĐND thành phố xem xét giảm giá đất tại hai huyện Đông Anh, Sóc Sơn nhằm giảm chi phí đền bù.

“Dự án rất lớn, nguồn lực ngân sách khó khăn nên cơ chế phải hết sức linh hoạt, hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Dực nói.

Theo đề xuất bước đầu của UBND thành phố, nếu sử dụng đầu tư hạ tầng bằng ngân sách thì khó có khả năng thực hiện trong các năm tới do vậy cần huy động nguồn thu từ giá trị quyền sử dụng đất của các dự án thành phần.

Theo số liệu ước tính, với đơn giá tiền sử dụng đất tương đương khu vực thị trấn Đông Anh là 13-14 triệu đồng/m2 thì dự kiến số tiền thu được là 23.437 tỷ đồng. Tuy nhiên tiến độ đầu tư hạ tầng phải đi trước một bước, việc huy động nguồn vốn từ quỹ đất chưa thể thực hiện được ngay. 

Trao đổi về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị lưu ý, không trông chờ vốn ngân sách. Đất là nguồn lực quan trọng và không phải là duy nhất.

Phải lấy hiệu quả khai thác các công trình, dự án trong tương lai để quy ra vốn, phải tính đến khả năng sinh lời của các dự án. “Nhà đầu tư vào dự án phải có năng lực, uy tín chứ không phải vào đây để chia chác nhau hoặc lấy đất xí phần”, ông Nghị nêu rõ.

Phấn đấu thực hiện trong 10 năm

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng nếu tính toán tốt, lựa chọn được nhà đầu tư thực sự mạnh thì có thể về đích sau khoảng 10 năm, từ 2015-2025.

Ông Nghị cũng đề ra một số yêu cầu cho dự án gồm: Đặc biệt quan tâm xây dựng bản sắc văn hóa Việt Nam cho khu đô thị, từ cách thiết kế công trình, cách đặt tên; coi trọng đảm bảo diện tích hành lang xanh; tổ chức quản lý điều hành dự án.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.