'Tỉnh ủy bí mật' và bút danh Nguyễn Du Kích của Người

TP - Theo các tài liệu nghiên cứu, khoảng giữa tháng 2/1950, Hồ Chủ tịch đã có mặt tại thủ đô Moskva và đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô. Có thể giả định, trong chuyến đi này, Người đã đem về nước cuốn “Tỉnh ủy bí mật” để rồi ít lâu sau, do yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam khi đó, Người đã dịch ra tiếng Việt.
A.Phedorov (giữa) tác giả cuốn “Tỉnh ủy bí mật” trong thời kỳ chiến tranh

Cuốn cẩm nang du kích

Trong một ký sự về nữ anh hùng liệt sĩ Doia Kosmodemyanskaya, đăng trong cuốn “Giữ lại muôn đời” xuất bản tại Moskva năm 1980, nhà văn Xô-viết nổi tiếng Ovidy Gorchakov kể lại: “Một lần ở Hà Nội, sau 1975, tôi có kể với các đồng nghiệp, các bạn sinh viên khoa văn và những cựu chiến binh, rằng trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, tôi từng tham gia đội du kích tình báo của nữ anh hùng Doia Kosmodemyanskaya. Nghe vậy, nhà văn nổi tiếng Nguyễn Công Hoan liền tiến đến và ôm chầm lấy tôi.

- Tôi nhớ vào cuối những năm 40 - Nguyễn Công Hoan nói - trong hàng ngũ du kích Việt Nam có bài hát về Doia của các bạn. Cái chết của những người anh hùng đã trở thành biểu tượng cho những ai chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa. Một trong những biểu tượng đó là các du kích quân Xô-viết - các nhân vật trong cuốn sách “Tỉnh ủy bí mật” của Aleksey Phedorov, 2 lần anh hùng Liên Xô. Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dịch cuốn này ra tiếng Việt. Cuốn sách đó đã trở thành cẩm nang chiến đấu của chúng tôi…

Aleksey Phedorov (1901-1989) không phải là nhà văn. Trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô (1941-1945), ông  là bí thư thứ nhất tỉnh ủy Chernigov, kiêm bí thư tỉnh ủy bí mật Volynsk (một tỉnh phía Tây Bắc Ukraina). Ngoài ra Phedorov còn là Chính ủy Phong trào du kích Chernigov-Volynsk trực thuộc Dân ủy nội vụ Liên Xô, hoạt động ở Ukraina, Belorussia. Tài năng lãnh đạo của Phedorov được thể hiện rõ trong thời kỳ này, khi ông đích thân tổ chức phong trào chiến tranh du kích và được đánh giá là một trong những chiến lược gia hàng đầu về chiến tranh du kích ở Liên Xô. Dưới sự lãnh đạo của Phedorov, các đội du kích đã trở thành một lực lượng mạnh mẽ, lập nên nhiều chiến công hiển hách. A.Phedorov đã 2 lần được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô (1942, 1944).

 Được biết ngay sau chiến tranh, A.F.Phedorov đã bắt tay vào viết cuốn hồi ký 4 tập “Tỉnh ủy bí mật” (tên tiếng Nga là Подпольный обком действует). Tập đầu tiên ra mắt năm 1948 tại Moskva, tập 2 và 3 xuất bản năm 1954 và tập 4 - năm 1965.

Trang cuối cùng của tập bản thảo đánh máy quyển 2

Chúng tôi đã có dịp tiếp cận với nguyên bản tiếng Nga tập 1 “Tỉnh ủy bí mật”, do NXB Moskva xuất bản lần đầu năm 1948 (năm 1949, NXB Nhà văn Xô-viết cũng in lại cuốn này). Trong lời mở đầu cho cuốn hồi ký của mình, A.F.Phedorov cho biết 4 năm tham gia chiến đấu chống lại quân xâm lược phát xít Đức là những năm tháng khó khăn nhất cuộc đời của ông. Mặc dù không ghi nhật ký, nhưng bằng trí nhớ phi thường của mình, ông đã cố gắng ghi chép lại những sự kiện lịch sử, nêu rõ những kinh nghiệm trong tổ chức phong trào du kích. Đến năm 1965, trọn bộ 4 tập hồi ký của Phedorov đã ra mắt và năm 1978, được chuyển thể thành phim truyền hình dài tập “Tỉnh ủy bí mật”.

Chúng ta còn nhớ 65 năm trước, ngày 30/1/1950, Liên Xô chính thức công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trước đó, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã có quyết định bí mật sang thăm Liên Xô. Theo các tài liệu nghiên cứu, khoảng giữa tháng 2/1950, Hồ Chủ tịch đã có mặt tại thủ đô Moskva và đã có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô. Có thể giả định, trong chuyến đi này, Người đã đem về nước cuốn “Tỉnh ủy bí mật” để rồi ít lâu sau, do yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam khi đó, Người đã dịch ra tiếng Việt.

Những tư liệu quý

Trong các hiện vật trưng bày tại Nhà lưu niệm văn học Nga của mình (sẽ khánh thành vào ngày 23/5 tới ở Từ Sơn, Bắc Ninh), nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn có 2 hiện vật rất quý: đó là 2 bản in cuốn “Tỉnh ủy bí mật”, đề năm 1951 của Nhà xuất bản Văn Nghệ, in tại Nhà in Tiến Bộ. Cuốn sách khổ nhỏ (11x15), dày 94 trang (cả bìa), in trên giấy nứa khá xấu, ngoài bìa ghi rõ “TỈNH ỦY BÍ MẬT. Nguyễn Du Kích dịch. Lời giới thiệu của Hồ Chủ tịch”. Phía trên là ghi tên tác giả “A. Phedorov - hai lần được Huân chương Anh hùng Liên xô”.

Theo cuốn “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia in năm 2001, Nguyễn Du Kích chính là bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật”.

 Bìa cuốn "Tỉnh ủy bí mật" tiếng Nga, in lần đầu tiên 1948

Trong Lời giới thiệu cuốn sách rất ngắn gọn súc tích chỉ dài hơn 2 trang, đề ngày 2/9/1951, Hồ Chủ tịch viết: “Lần này là lần đầu tiên mà tôi viết bài tựa cho một quyển sách, vì quyển sách này ra đúng dịp. Nó ra trong lúc chúng ta đang cố đẩy mạnh phong trào du kích”.

Tiếp theo, Người nhấn mạnh vai trò của chiến tranh du kích: "Sức du kích thật mạnh thì chiến tranh giải phóng nhất định thắng lợi”, “Du kích làm cho địch có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc, có chân tay cũng như què...”, “Du kích tổ chức khéo, thì toàn dân gái, trai, già, trẻ, sĩ, nông, công, thương ai cũng có thể tham gia”.

Trong phần giới thiệu tác giả “Tỉnh ủy bí mật”, Người có viết rõ tiêu chí khi dịch “Đây chỉ dịch từng đoạn, không dịch hết”, tuy vậy, có thời gian so sánh với bản gốc, dễ nhận thấy những nội dung cơ bản của câu chuyện vẫn được thể hiện rõ nét, theo đúng trình tự của sự kiện và thời gian. Có thể nói rằng Hồ Chủ tịch đọc rất kỹ nguyên bản, nắm hết được nội dung chính, để sau đó chọn dịch những nội dung quan trọng nhất với lối hành văn rất giản dị, dễ đến với người đọc.

Theo nguyên bản tiếng Nga, cuốn hồi ký (tập 1) của A.Phedorov có 3 chương “Bom rơi xuống Chernigov”, “Những ngày gian khó”, “Tỉnh ủy bí mật hoạt động”. Tài năng của người dịch đã thể hiện rõ khi chọn lược dịch lại những câu chuyện, chi tiết thiết thực nhất để người đọc cảm thấy rất gần gũi, như là đang nghe kể câu chuyện kháng chiến ở Việt Nam. Giúp người đọc dễ theo dõi, ghi nhớ, người dịch đã chia cuốn hồi ký thành 36 câu chuyện nhỏ (trong quyển 1) với các tiêu đề rất ngắn gọn như Giặc Đức tấn công, Một chiến sĩ oanh liệt, Nhi đồng kháng chiến, Một việc mạo hiểm…và tiếp tục mạch đó trong quyển 2.

Cũng trong cuốn sách dịch dành cho đối tượng quân dân, du kích này, Hồ Chủ tịch đã chủ động viết ngắn lại tên các nhân vật, địa danh trong tiếng Nga “để bà con dễ đọc”. Dịch giả Thúy Toàn nhận xét: "Các câu văn dịch cũng rất ngắn gọn, rất dễ hiểu”. Đây cũng chính là quan điểm “muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem...” mà sau này Người đã nhiều lần nhấn mạnh.

Trong một cuộc trò chuyện, nhà thơ, dịch giả Thúy Toàn cho người viết biết một thông tin thú vị: nhuận bút dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật” đã được Hồ Chủ tịch trao tặng cho một đơn vị bộ đội có nhiều thành tích trong chiến đấu.

Người viết cũng may mắn được tiếp cận với một tài liệu vô giá khác, đó là tập bản thảo cuốn “Tỉnh ủy bí mật” do chính Bác Hồ dịch, đánh máy và chỉnh sửa năm 1951. Trước đây, do điều kiện chiến tranh, tập bản thảo này đã bị thất lạc, nhưng may mắn sau đó đã tìm lại được và được Văn phòng Trung ương Đảng chuyển cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Hiện nay, tập tài liệu này được lưu giữ tại Kho tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam.

Đó là 2 tập bản dịch, đánh máy trên giấy pơ-luya mỏng, với các màu mực đánh máy khác nhau, dù trong cùng một tập. Tập thứ nhất, chính là bản đánh máy quyển 1 (như đã nói ở trên), trang đầu chữ màu tím. Tập thứ hai, là toàn bộ bản đánh máy quyển 2, trang đầu chữ màu đen. Cả hai tập đều có nét bút chỉnh sửa, biên tập của Hồ Chủ tịch.

Người viết không khỏi xúc động khi được tiếp cận với những tài liệu vô giá đã ngả màu theo thời gian, các tờ giấy đánh máy mép đã sờn, mỏng tang như dính chặt vào nhau. Những nét bút của Hồ Chủ tịch vẫn còn đó, dù màu mực xanh đã nhạt đi ít nhiều. Bản đánh máy quyển 1, chủ yếu là mực tím, trang cuối có dòng chữ “Quyển 1 hết, quyển 2 kể những chuyện du kích rất hay”, và đề ngày 2/9 (1951). Đó cũng là ngày Hồ Chủ tịch viết “Mấy lời giới thiệu” cho “Tỉnh ủy bí mật”. Quyển 1 ngay sau đó đã được in và xuất bản năm 1951.

Bìa cuốn Tỉnh ủy bí mật, in 1951

Quyển 2 gồm 37 trang đánh máy, đề thời gian dịch từ 7/10-29/11/1951. Hết quyển 2, Người viết: "Quyển 3 hay lắm. Xin bà con đón mà xem” và giới thiệu nội dung quyển 3 với 4 câu thơ rất dễ thuộc về phong trào du kích. Quyển 2 cũng đã được NXB Văn Nghệ in năm 1952, dày 123 trang.

***

Hơn 60 năm trước, giữa Chiến khu Việt Bắc, dù bộn bề công việc của người lãnh đạo Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trong những điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn, thiếu thốn trăm bề, vậy mà Hồ Chủ tịch vẫn dành được thời gian đọc, chọn dịch những nội dung quan trọng nhất của cuốn sách “Tỉnh ủy bí mật”, để phổ biến kinh nghiệm chiến tranh du kích nhằm áp dụng vào Cuộc chiến đấu giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Sự vĩ đại của một lãnh tụ là kết tinh của tầm nhìn và những việc làm như thế.  

Hồ Chủ tịch thường tặng cho các đơn vị cuốn “Tỉnh ủy bí mật” để động viên phong trào thi đua. Báo Cứu quốc số 1984, ngày 2/1/1952  đăng tin Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng 15 cuốn truyện “Tỉnh ủy bí mật” có chữ ký và dấu của Người cho những đơn vị bộ đội, dân công có thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong chiến dịch Đông- Xuân 1951-1952.

Tiếp tục tìm hiểu, qua dịch giả Thúy Toàn, chúng tôi đã tìm đọc được tạp chí Văn Nghệ số 37, tháng 12/1952 (nằm trong bộ sưu tập tạp chí Văn Nghệ thời kháng chiến của nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân). Trong số này, có một mẩu tin ngắn, nhưng rất quan trọng: Phần thưởng của dịch giả “Tỉnh ủy bí mật” với nội dung: “Phần thưởng 10 vạn đồng của ông Nguyễn Du Kích dịch giả quyển “Tỉnh ủy bí mật” nhờ Hồ Chủ tịch tặng thưởng cho một đơn vị bộ đội địa phương lập được nhiều công nhất toàn quốc trong đầu năm 1952 đã về Bộ đội Phú Vang Thừa Thiên”.

Báo Văn học, Liên Xô, số ra ngày 1/5/1953 viết: “Một món quà đến từ Việt Nam xa xôi. Trong đó là 2 cuốn sách nhỏ, có thể đặt trọn trong lòng tay. Sách được trình bày một cách khá tiết kiệm, như muốn tận dụng đến từng mi-li-mét giấy. Cuốn sách được đóng khá sơ sài, và khi đó nhiều người có thể cùng đọc một lúc, theo từng phần. Ở bìa trước, có lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Cộng hòa nhắn gửi đến đến các chiến sĩ đang chiến đấu trong lòng địch, coi (cuốn sách) như là một thứ vũ trang. Cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô sẽ giúp thêm chúng ta trong cuộc chiến đấu”. Tác giả bài báo cũng nói rõ đây chính là bản dịch cuốn hồi ký “Tỉnh ủy bí mật” của Phedorov về kinh nghiệm của các chiến sĩ du kích Liên Xô trong Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, do Nguyễn (Du) Kích dịch.