Phòng CSGT, Công an Hà Nội cho biết, nhìn chung tình hình giao thông trong ngày đầu thực hiện đổi giờ có chuyển biến tích cực, nhiều nút giao thông và tuyến đường trung tâm đã giảm được đáng kể lượng phương tiện giờ cao điểm.
Theo Trung tá Hà Văn Thanh, Đội phó Đội CSGT số 7, nếu nút giao thông Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi và tuyến đường Nguyễn Trãi – Hà Đông giờ cao điểm mỗi kilômét trung bình có khoảng 3.000 phương tiện, nhưng ngày hôm qua lượng phương tiện này giảm xuống 20 đến 25%. “Sở dĩ có được mức giảm này là do khung giờ cao điểm được kéo dài từ 6 đến 9h thay cho 6h30 đến 8h30 như trước đây, khiến lượng phương tiện được rải đều ra theo các giờ khác nhau”, ông Thanh nói.
Theo quan sát của PV Tiền Phong, hôm qua nhiều tuyến phố, đặc biệt là các tuyến đi qua các trường mầm non, tiểu học, tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra vào giờ tan tầm. Theo quy định lịch đổi giờ mới, 8h sáng học sinh trường tiểu học Đặng Trần Côn (Thanh Xuân) mới vào học, nhưng từ 7h tuyến đường Nguyễn Quý Đức chạy qua đã tắc cứng, phương tiện người nhà học sinh đậu đỗ ngổn ngang cả trên vỉa hè và lòng đường.
Mặc dù ở đây luôn có hai trật tự viên của phường Thanh Xuân Bắc đứng ra làm trật tự nhưng phương tiện đi đến đây vẫn bị tắc từ 15 đến 30 phút. Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều tuyến phố đi qua các trường mầm non và tiểu học như Đào Duy Anh (qua tiểu học Phương Liên), Hoàng Tích Trí (qua tiểu học Kim Liên), Quang Trung (qua tiểu học và mầm non Quang Trung), Nguyên Hồng (qua tiểu học Nam Thành Công), Thái Thịnh (qua THCS và tiểu học Thái Thịnh), Thụy Khuê (qua trường tiểu học Chu Văn An)...
Với tuyến phố Quang Trung, theo lịch đổi giờ các trường mầm non và tiểu học sẽ trả các cháu trước 17h, tuy nhiên để tránh ùn tắc trường tiểu học Quang Trung chiều qua có lịch trả học sinh đến 17h20, nhưng thời điểm từ 17 đến 18h, tuyến đường này đoạn qua trường tiểu học Quang Trung vẫn ùn cứng, riêng ngã ba phố Quang Trung giao với phố Trần Quốc Toản, Nguyễn Gia Thiều phương tiện nêm kín.