Tin hot giáo dục: Xem xét lại thời gian nghỉ hè

TPO - Phó Thủ tướng cho rằng, kỳ thi THPT cần tiếp tục đổi mới, xem xét lại thời gian nghỉ hè; Thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ tạm dừng vì phát hiện hàng loạt sai phạm; Tranh luận nóng tách thi đại học và tốt nghiệp THPT hay ào ạt đi du học là những thông tin nổi bật tuần qua.
Phó Thủ tướng phát biểu tại hội nghị sáng nay, 21/8.

Phó Thủ tướng: Kỳ thi THPT cần tiếp tục đổi mới, xem xét lại thời gian nghỉ hè

Đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, kỳ thi THPT quốc gia đã nhẹ đi rồi nhưng cần tiếp tục có những đổi mới hơn nữa, tập trung vào khâu ra đề cho tốt hơn.

Sáng 21/8, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành giáo dục. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo hội nghị.

Trước thực trạng ngành Sư phạm thừa thiếu cục bộ, khó khăn trong tuyển sinh, Phó Thủ tướng cho rằng, đổi mới sư phạm cần từ gốc rễ, giữa Bộ và địa phương cần có sự bắt tay, trao đổi để thực hiện.

Dự báo về số lượng giáo viên, Bộ phải nắm được để điều tiết, Bộ cũng cần ra những văn bản để đảm bảo các điều kiện chất lượng đội ngũ. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT phải bàn với Bộ Nội vụ để thống nhất chỉ đạo về biên chế giáo viên. Việc đặt hàng đào tạo bồi dưỡng chuyển đổi giáo viên đã nói từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được làm đến nơi đến chốn.

Cũng theo Phó Thủ tướng, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông còn chậm, từ hoàn thành dự án đến kiện toàn bộ máy và hơn cả là tinh thần đổi mới đã được bàn nhưng chậm thấm xuống đến các sở, các trường, đến từng giáo viên. Việc quản trị nhà nước ở các cấp học còn nhiều quy định cứng nhắc, cầm tay chỉ việc và không còn phù hợp. (Xem chi tiết tại đây)

Thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Tạm dừng vì phát hiện hàng loạt sai phạm

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng vừa ký văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng, Ban quản lý đề án Ngoại ngữ 2020 và 10 đơn vị được giao tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ về việc xử lý sau thanh tra. Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu tạm dừng việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ ngoài nhà trường cho các đối tượng không phải là giáo viên dạy ngoại ngữ.

Trong văn bản này, lý do được Bộ đưa ra là dựa vào kiến nghị của Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT sau kết luận thanh tra về việc ôn tập, thi, đánh giá năng lực ngoại ngữ tổ chức tại trường Cao đẳng Công nghệ  (CĐCN) Bắc Hà. Trong kết luận này, Thanh tra Bộ cho biết từ ngày 13/4/2017 đến ngày 16/4/2017, Trường ĐH Vinh đã tổ chức ôn tập, thi, cấp chứng chỉ năng lực tiếng Anh cho 827 người tại Trường CĐCN Bắc Hà.

Tuy nhiên, Thanh tra Bộ khẳng định Sở GD&ĐT Bắc Ninh, Trường ĐH Vinh tổ chức ôn tập, thi đánh giá năng lực ngoại ngữ cho các địa phương theo nhu cầu xã hội là không đúng đối tượng và không phải do Đề án NNQG 2020 giao. Bởi phần lớn thí sinh đều thuộc diện hợp đồng ngắn hạn trong các cơ quan, đơn vị và học viên sau đại học; nhiều phiếu đăng ký dự thi ghi ngày 4/4/2017, thiếu thông tin thí sinh. (Xem chi tiết tại đây)

Học sinh và phụ huynh nghe tư vấn du học trong một buổi hội thảo

Ào ạt đi du học, mỗi năm cha mẹ Việt chi bao tiền cho con?

Theo thống kê, hiện cả nước có 500 chương trình liên kết. Nếu mỗi chương trình mỗi năm tuyển 50 sinh viên thì có 25.000 sinh viên nhập học các chương trình này mỗi năm. Điều đó cho thấy, số lượng học sinh Việt Nam đi du học ngày càng nhiều và đa dạng cả về hình thức lẫn quốc gia, do đó, mức học phí cũng dao động tùy thuộc vào loại hình lẫn nơi các em theo học.

Ngoài các loại hình du học lâu đời như du học Tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng và cả học nghề thì những năm gần đây cũng nổi lên nhiều loại hình du học ngắn hạn, du học nhóm, du học ngoại ngữ... Đây được xem là loại hình du học đang ngày càng gần gũi với những người có mong muốn là bước đệm cho con mình được trải nghiệm trước khi có quyết định du học dài hạn hoặc là nơi trải nghiệm, giao lưu kỹ năng, nâng cao trình độ ngoại ngữ hoặc làm cho CV xin việc được đẹp hơn trước khi ứng tuyển... . (Xem chi tiết tại đây)

Tranh luận nóng tách thi đại học và tốt nghiệp THPT

Đề xuất tách thi đại học và tốt nghiệp THPT của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình trong hội nghị tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/8, làm dấy lên nhiều tranh luận.

Rất nhiều độc giả đồng tình với quan điểm của ông Bình, cho rằng hai kỳ thi đại học và tốt nghiệp THPT có mục đích khác nhau, việc thi chung làm sự đánh giá chất lượng học sinh trở nên khập khiễng, thiếu chính xác. 

"Thi tốt nghiệp THPT mà ghép với thi đại học cũng giống chén kiểu xếp chung với chén sành, cá mè một lứa, thì làm sao tuyển được nhân tài cho đại học. Điểm thi tốt nghiệp cao chưa chắc đã là giỏi và đạt tiêu chí tuyển sinh của từng đại học. Nếu các trường tự chủ tuyển sinh đại học, sẽ không có chuyện mỗi môn 9 điểm vẫn trượt nguyện vọng một như năm nay", một độc giả bình luận. (Xem chi tiết tại đây)

PGS Nguyễn Văn Nhã: Sàng mà vẫn đỗ 99% thì làm sàng để làm gì

Nhìn lại kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã - nguyên trưởng ban đào tạo trường ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá kỳ thi "hai trong một" chỉ phù hợp cho học sinh tốt nghiệp THPT còn việc xét tuyển vào đại học là chưa ổn.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của Bộ GD&ĐT ngày 21/8, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - chỉ ra nhiều vấn đề của kỳ thi THPT quốc gia và đề xuất tách hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học.

Tiền Phong có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Văn Nhã, Nguyên trưởng ban đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội về vấn đề này. (Xem chi tiết tại đây)