> 'Tôi cũng rất xót xa' trước sai phạm tại Vinalines
“Nói thật là Bộ không nắm được gì”
Chất vấn ve trách nhiệm giám sát, quản lý vốn tài sản của các tập đoàn kinh tế nhà nước, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị Bộ trưởng Vinh làm rõ: Vì sao có 3 bộ quản lý (KH&ĐT, Tài chính, Bộ chủ quản) mà các vụ việc sai phạm không được phát hiện kịp thời (phải nhờ UB Kiểm tra T.Ư, Thanh tra Chính phủ vào cuộc mới phát hiện được)? “Trách nhiệm Bộ trưởng trong vụ Vinalines là gì, trong khi việc hoàn thiện các văn bản luật về quản lý lại quá chậm?” – ĐB Nga chất vấn.
Nhận “trách nhiệm của Bộ về nguyên tắc, không thể nào nói là không có”, ông Vinh cho biết:“Chế tài quản lý đối với các DNNN đã có quy định, theo đó, các DN phải tự chịu trách nhiệm về việc đầu tư của mình”.
Theo Bộ trưởng Vinh, vì DN không báo cáo với Bộ KH&ĐT “nên nói thật là Bộ không nắm được gì, qua sự việc ở Vinashin, Vinalines thì thấy đúng là như vậy”.
Nói về việc chậm sửa đổi cơ chế, ông Vinh cho biết là những việc thuộc trách nhiệm, được giao Bộ đều đã làm. Ví dụ sửa đổi Nghị định 132/2005, từ 2010 đã soạn thảo xong.
Vấn đề quản lý các tập đoàn, nên giao cho một cơ quan riêng hay trả về các Bộ, đang có nhiều phương án.
Vì vậy, sau khi trình thì tạm dừng lại. Cách đây hơn một tháng, Bộ lại trình và được Thủ tướng nghe thảo luận, để tới đây ban hành.
“Bộ trưởng nói do tập đoàn không báo cáo bộ không nắm được, vì sao trách nhiệm của Bộ là quản lý mà không nắm được, Bộ có tham mưu gì cho Chính phủ để chống thất thoát tài sản nhà nước, trách nhiệm của bộ trong vụ Vinalines?” - ĐB Nga truy vấn.
Bộ trưởng Vinh phân trần: Trước năm 2005, có luật riêng dành cho DNNN, để giải phóng sức sản xuất, Luật Doanh nghiệp 2005 không phân biệt loại hình này, DNNN được trao quyền tự chủ lớn hơn trong các dự án đầu tư, không phải báo cáo, họ chỉ báo cáo người quản lý họ thôi.
“Nhiều trường hợp, Bộ KH&ĐT cũng chịu, không thể tiếp cận thông tin. Ngay Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư đến mà DN còn không tiếp. Vì vậy những sự vụ ở Vinashin, Vinalines, chúng tôi khong nắm được”.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ “chia lửa”, kế hoạch sản xuất, kinh doanh của tập đoàn đều do Thủ tướng phê duyệt. Vừa qua, Thanh tra CP kết luận sai phạm ở Vinalines là của Chủ tịch tập đoàn… chứ không phải trách nhiệm của Bộ Tài chính, KH&ĐT.
Tới đây, phải tăng giám sát ở cả 3 tầng: Giám sát của bản thân tập đoàn, của bộ chủ quản và giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Đối với Vinalines, Bộ đã có báo cáo giai đoạn 2009-2010, đã có cảnh báo về tình hình tài chính của công ty mẹ rất khó khăn, có đề xuất cụ thể.
Bộ có xót xa không?
“Bộ trưởng nói theo quy định thì các Tập đoàn quyết hết cho nên Bộ vô can. Xin hỏi nguồn lực của nhân dân giao cho quản lý, Bộ có xót xa với cách dùng tiền như thế không?”- ĐB Trần Du Lịch chất vấn.
Bộ trưởng Vinh thừa nhận, đầu tư mà lãng phí thì chúng tôi rất xót xa, trăn trở. Nhưng những sai phạm vừa rồi phần lớn liên quan đến bản chất con người, họ biết sai nhưng cố tình làm.
Vì vậy, phải rất quan tâm đến phẩm chất cán bộ, những người động chạm tiền bạc, cố tình vi phạm phải xử lý.
“Tới đây, cần quy định trở lại bộ chuyên ngành phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Đây là việc lớn. Vốn do Nhà nước cấp hay vốn vay cũng là của nhà nước. Vì vậy các dự án đầu tư của các tập đoàn đều phải báo cáo, phải có người giám sát, phải thay đổi cơ chế”- Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Bắt được chạy dự án - tôi sẽ kỷ luật
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) phản ánh tình trạng DN “quan hệ ngoài luật” để nhận được nhiều dự án, ưu đãi.
“Vì thế, DN tìm mọi cách đầu tư cho quan hệ, làm ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư, làm tăng chí phí đầu tư”.
ĐB Trần Du Lịch và một số ĐB cho rằng, hiện nay đầu tư công còn dàn trải, gây lãng phí, cần phải thay đổi tư duy, không để 63 tỉnh thành tự tung tự tác.
“Do khoán trắng đầu tư, địa phương nào cũng làm sân bay, bến cảng, trường đại học; Và có ý kiến, tình trạng đó là do trung ương, do cơ chế “xin - cho”, có cả lợi ích nhóm?”- ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chất vấn.
Bộ trưởng Vinh cho rằng, căn cơ sâu xa của việc đầu tư dàn trải là áp lực giao cho 63 địa phương phải làm hết sức mình, nhưng không có nguồn lực. Cần phải nghiên cứu, sửa đổi thể chế, chức năng ở cả TƯ và địa phương.
Ở các nước, địa phương chỉ làm về an sinh -xã hội, ta thì quá vướng. Địa phương nào cũng muốn làm, “không làm thì ông bên cạnh lại làm, phải cạnh tranh, mà đó cũng là trách nhiệm Đảng, Nhà nước giao”.
“Phải tìm lý do chạy dự án, có hay không? Nếu tôi bắt được tôi sẽ kỷ luật ngay. Nhưng quan trọng là giải pháp ngăn chặn để nó không có cơ hội xảy ra” - Ông Vinh nói.
Không lấy ngân sách nhà nước ra gánh nợ xấu của ngân hàng thương mại
Trả lời câu hỏi của ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): “Bộ trưởng căn cứ vào đâu
đưa ra quy định NSNN phải gánh chịu một phần nợ xấu của NHTM trong đề án tái cấu trúc kinh tế? Nợ xấu có liên quan món nợ của Vinashin, có quan chức nào bảo lãnh nợ xấu không?”. Bộ trưởng Vinh thẳng thắn: “Mua bán nợ xấu chúng tôi không tham gia. Tôi cũng đồng tình không lấy ngân sách Nhà nước làm cái này. Các NH phải tự lo để có nguồn trang trải”.
|
Nói thật là Bộ không nắm được gì, qua sự việc ở Vinashin, Vinalines thì thấy đúng là như vậy.
|
Để xảy ra các vụ tại Tiên Lãng, Văn Giang là rất đáng tiếc. Chúng tôi thấy trách nhiệm của địa phương, của bộ trong thanh tra, kiểm tra.