Tiêm vắc-xin cho muỗi chống sốt xuất huyết

TP - Đó là thử nghiệm của Bộ Y tế được thực hiện trên một hòn đảo đã mang lại thành công trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết (SXH). Với kết quả này Việt Nam hy vọng sớm ngăn chặn được dịch SXH.
Nhân viên đang phun thuốc phòng chống dịch sốt xuất huyết tại ngõ Yên Thái, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Châu

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện tượng El Nino được đánh giá mạnh nhất trong nhiều năm qua là nguyên nhân chủ yếu khiến bùng phát dịch SXH tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Theo đó, thời tiết khô hạn khiến việc tích trữ nước gia tăng, nhiệt độ trung bình gia tăng khiến thời gian phát triển chu kỳ trứng thành muỗi rút ngắn, kéo dài thời gian sống của muỗi, làm gia tăng mật độ muỗi dẫn đến tăng nguy cơ dịch SXH.

Việt Nam đã từng trải qua vụ dịch SXH lớn nhất năm 1998 tương ứng với thời kỳ hoạt động của hiện tượng El Nino 1997-1998. Hiện tại, số mắc SXH tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, nhà máy sản xuất; nhiều khu nhà trọ dành cho người lao động nhập cư và có hạ tầng đô thị phát triển nhưng chưa đáp ứng kịp đà tăng dân số như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Hiện Bộ Y tế đang thử nghiệm dùng vi khuẩn Wolbachia để gây nhiễm vào muỗi, làm cho muỗi chết sớm và hạn chế virus Dengue nhiễm và phát triển được trên muỗi nhiễm đó. Nghiên cứu này được thực hiện tại đảo Trí Nguyên (tỉnh Khánh Hòa). Wolbachia là vi khuẩn nội bào, sống trong tế bào côn trùng và truyền từ thế hệ này sang thế hệ tiếp theo thông qua trứng của côn trùng. Wolbachia được tìm thấy tự nhiên trong khoảng hơn 60% các loài côn trùng sống xung quanh con người, bao gồm cả những loài muỗi thường hay đốt người, tuy nhiên nó lại không tồn tại trong muỗi Aedes aegypti, véc-tơ chính truyền bệnh SXH. Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu dự án bắt đầu nghiên cứu về Wolbachia từ năm 2006 với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế.

Dự án đã cấy và nhân nuôi thành công muỗi Aedes aegypti địa phương mang Wolbachia tại phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Trên cơ sở khoa học và thực tiễn thu được qua các giai đoạn nghiên cứu từ năm 2006 - 2013, hoạt động thả muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia đã được Bộ Y tế phê duyệt vào tháng 4/2014 trên thực địa hẹp đảo Trí Nguyên với dân số trên 3.000 dân. Vào tháng 5/2014, muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia đã được tiến hành thả tại từng hộ gia đình trên đảo. Sau 27 tuần thả muỗi Aedes aegypti, tỷ lệ muỗi Aedes aegypti nhiễm Wolbachia tại đây là 87%. Kết quả giám sát quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên vào tháng 5/2015 cho thấy nhiễm trên 95%.

Như vậy bước đầu nghiên cứu đã cho thấy muỗi mang Wolbachia sau khi thả đã thiết lập và thay thế gần như toàn bộ quần thể muỗi Aedes aegypti tự nhiên. Ngoài ra theo kết quả giám sát ca bệnh mắc SXH từ giữa năm 2014 đến nay, tại đảo Trí Nguyên không ghi nhận ổ dịch SXH tập trung hay ca mắc SXH địa phương nào. Chính vì lý do này mà các nhà khoa học nhận định việc sử dụng Wolbachia cho muỗi không khác gì việc “tiêm vắc-xin cho muỗi”. Từ việc hạn chế virus Dengue nhiễm và phát triển trên muỗi, thời gian sống của muỗi rút ngắn lại, tác động hiệu quả tới việc phòng chống bệnh SXH. Nghiên cứu này thành công sẽ góp phần tích cực cho công tác phòng chống SXH.        

Hà Nội chi thêm 14 tỷ đồng phòng chống SXH

Ngày 8/10, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, 3 tháng cuối năm, thành phố Hà Nội sẽ chi thêm 14 tỷ đồng để khống chế dịch SXH. Theo đó, với nguồn kinh phí bổ sung, Hà Nội tiếp tục trang bị bổ sung máy móc, hóa chất. Ngoài ra các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và phun hóa chất diện rộng sẽ được tổ chức thêm tại vùng có dịch và các vùng có nguy cơ cao. Công tác tập huấn và truyền thông về phòng, chống SXH cũng sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội có 3.471 trường hợp mắc SXH, nhưng chưa có trường hợp tử vong.