Tịch thu xe, có khả thi

TP - Đề xuất tịch thu phương tiện (ô tô, xe gắn máy) của người điều khiển nếu có nồng độ cồn trên 80mg/100ml đang gây tranh cãi trong dư luận. Ngoài ra, theo đề xuất của UBATGT quốc gia, đi xe gắn máy đi vào đường cao tốc cũng sẽ bị tịch thu. Đi kèm với chế tài nghiêm khắc trên là tước bằng lái trong thời gian 2 năm.

Dễ hiểu vì sao ngay sau Tết, UBATGT quốc gia lại đề xuất mức phạt “hà khắc” này, bởi tình hình TNGT dịp Tết không giảm mà còn tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong 9 ngày nghỉ Tết đã có tới 317 người thiệt mạng và 509 người bị thương vì TNGT, tăng 35 người chết so với dịp Tết năm ngoái.

Tình trạng uống rượu bia vẫn lái xe đã tới mức báo động, chỉ trong vòng 2 tháng (15/12/2014-15/2/2015) cảnh sát giao thông đã xử lý, tạm giữ, tước giấy phép lái xe 18.600 trường hợp vi phạm. Hiện tượng xe máy đi vào đường cao tốc dù đã có biển cấm cũng rất phổ biến, uy hiếp nghiêm trọng tới an toàn giao thông. Nhìn vào số người chết do TNGT ở nước ta cao tới mức bất thường, lên tới hơn 100 ngàn người trong 10 năm qua, mỗi ngày có 25 người bước ra đường và không bao giờ quay trở về, mà giật mình đau xót !

Chính vì vậy, dư luận rất đồng tình với việc tăng mức xử phạt thật nặng với các lỗi vi phạm ATGT. Thế nhưng tới mức tịch thu cả phương tiện - một tài sản có giá trị lớn của người dân, thì lại đang gây ra nhiều tranh cãi.

Nhiều luật sư cho rằng, quyền sở hữu và bảo hộ tài sản cá nhân đã được Hiến định, vậy nên chỉ có tòa án mới có quyền tịch thu tài sản của công dân bằng một bản án. Tuy nhiên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBATGT quốc gia khẳng định trên báo chí rằng, có cở sở pháp luật cho việc tịch thu phương tiện – đó là Điều 26, Luật xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2012.

Bên cạnh đó, việc tịch thu một tài sản lớn của người dân với trị giá từ hàng trăm triệu tới hàng tỷ đồng như một chiếc ôtô cũng sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề rắc rối. Chẳng hạn như nếu chiếc xe đó không phải là sở hữu của người vi phạm, mà là xe thuê, mượn, hay lái xe làm công ăn lương thì có tịch thu được không?

Thậm chí xe bị trộm, cắp hoặc dùng mà không được sự đồng ý của chủ phương tiện thì sao? Chẳng lẽ đi tịch thu tài sản hợp pháp của một người không vi phạm pháp luật? Trên thực tế, số lượng tài xế hành nghề bằng chiếc xe không phải do mình sở hữu rất lớn, và như vậy tình huống pháp lý nảy sinh sẽ rất phức tạp.

Thêm nữa, dư luận cũng lo ngại trong bối cảnh hiện nay, quy định này sẽ tạo kẽ hở cho tham nhũng tiêu cực, bởi ranh giới nồng độ cồn giữa 80mg/100ml với 81mg – tức ranh giới giữa việc nộp phạt vài chục triệu với việc bị tịch thu cả một chiếc ô tô - là rất mong manh.

Nhiều bạn đọc cho rằng, chưa thấy ở đâu có quy định tịch thu xe khi người lái uống rượu cả. Mỹ, Nhật phạt rất nặng, kể cả hình sự hóa là bỏ tù nhưng không tịch thu xe. Mục đích của hình phạt, dẫu rất nặng, vẫn thiên về giáo dục để đối tượng phải “tâm phục, khẩu phục”, hơn là tịch thu ôtô –mà trong trường hợp này ở ta là một tài sản lớn của người dân.