Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Chủ quyền, lợi ích quốc gia là trên hết

TP - Sáng 18/11, trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (QH) về vấn đề tranh chấp chủ quyền và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.

Hợp tác bình đẳng cùng có lợi

Dẫn lại câu hỏi mà ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Lê Nam (Thanh Hóa) nêu một số vấn đề về tranh chấp chủ quyền, diễn biến phức tạp trên biển Đông và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Thủ tướng cho biết: Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần báo cáo QH về các vấn đề này. Quan điểm, lập trường, chủ trương của Đảng và Nhà nước là rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp, đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức.

“Chúng ta phải tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện sáng tạo, hiệu quả các chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh 3 nội dung chính là: Chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Thứ hai, kiên quyết đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo, lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước. Cũng như Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, các cam kết khu vực, nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và Tuyên bố giữa ASEAN - Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông (DOC).

Thứ ba, phải tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh của toàn dân tộc; tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN.

Thúc đẩy đổi mới và phát triển

Về nội hàm kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà ĐB đặt ra, Thủ tướng cho biết, đây là nền KTTT hiện đại, với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật KTTT, phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế. Nhà nước sử dụng thể chế, luật pháp, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế chính sách phân phối và phân phối lại để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội…

Để thực hiện nội dung trên, Thủ tướng cho biết: Chính phủ đã và đang triển khai phát triển đồng bộ, hiệu quả các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, tài chính, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ… theo hướng hiện đại. Thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới quản trị đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện cơ chế thị trường đối với cung cấp các dịch vụ công. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công. Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

Ngoài ra tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi và quản lý, điều hành nền kinh tế bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết phù hợp với KTTT. Bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo, thúc đẩy đổi mới và phát triển. Đặt doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong cơ chế thị trường; phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.

Ý kiến ĐBQH

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM): Người dân chờ đợi hành động cụ thể

Tại phiên trả lời chất vấn, Thủ tướng không trả lời trực tiếp mà trả lời những vấn đề mang tính nguyên tắc chung cho câu hỏi của tôi và một số ĐB khác về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên điều nhân dân và cử tri chờ đợi không chỉ là một câu trả lời trực tiếp trên diễn đàn. Điều mọi người mong muốn, chờ đợi là sau khi nghe phản ánh như vậy thì các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước thể hiện bằng những hành động cụ thể, những chủ trương cụ thể trong quan hệ với Trung Quốc. Cá nhân tôi cũng tin tưởng lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ có sự quan tâm trong toàn bộ quan hệ đối với Trung Quốc, trong đó có quan hệ về kinh tế. Sau phiên chất vấn này, tôi tin Quốc hội sẽ ra Nghị quyết nêu hết những vấn đề và Chính phủ, các Bộ trưởng phải có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên điều quan trọng cuối cùng vẫn là làm như thế nào để giải quyết các vấn đề được đặt ra.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Cần trả lời thẳng thắn để cử tri hiểu được

Tôi đánh giá cao cách trả lời chất vấn của một số Bộ trưởng. Chẳng hạn như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nói rất rõ ràng, thuyết phục về câu chuyện lãng phí. Đặc biệt khi trả lời về các công trình giao thông, Bộ trưởng lý giải rất rõ tại sao mấy anh kỹ sư lại “rút ruột” mấy cây sắt. Điều đó cho thấy chuyện lãng phí còn tồn tại ở nhiều khâu chứ không phải một khâu nào. Bên cạnh đó tôi cũng ấn tượng với phần trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng rất thẳng thắn, chỉ rõ sai sót của ai, sai sót từ đâu… Với những cách trả lời thẳng thắn như vậy, tôi tin cử tri rất hài lòng. Ngược lại, cũng có thể còn một số ĐB chưa thực sự thỏa mãn với phần trả lời chất vấn của một số trưởng ngành. Tôi muốn các Bộ trưởng trả lời phải rõ ràng, cụ thể hơn để không những ĐB mà cử tri cũng có thể nghe và hiểu được.

Dũng Nguyễn (ghi)