Trước đó, ở giai đoạn 1 (2017 - 2019) TP Đà Nẵng cũng đã chi hơn 110 tỷ đồng để di dời 80 hộ dân và 3 cơ quan Nhà nước ra khỏi di tích; khôi phục toàn bộ hệ thống tường cao hào sâu, làm công viên cây xanh phía bắc và phía tây Thành Điện Hải…
Theo quyết định, trong giai đoạn 2, TP Đà Nẵng sẽ thực hiện các hạng mục bên trong khuôn viên 26.519m2 của thành Điện Hải gồm: di dời Bảo tàng Đà Nẵng hiện hữu sang cơ sở 42 Bạch Đằng; phục dựng kỳ đài, nhà để súng thần công, cổng thành phía đông; tôn tạo tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương; xây dựng cầu cổng phía tây, miếu thờ nghĩa sĩ, nhà trưng bày và các hạng mục khác.
Trong giai đoạn 2, hạng mục nhà trưng bày cũng được xây ngầm toàn bộ dưới lòng đất. Công trình có quy mô tổng diện tích hơn 450m2, chìm phía dưới không cản trở tầm nhìn bao quát chung toàn bộ tổng thể khu di tích.
Theo đó, nhà trưng bày gồm 1 phòng trưng bày chính, 1 phòng trải nghiệm thực tế ảo 3D và các hạng mục phục vụ công việc điều hành, âm thanh, ánh sáng… Nội dung trưng bày, trình diễn và mô phỏng di tích có ba phần cơ bản, gồm: hệ thống trưng bày các hiện vật lịch sử, tranh ảnh, tài liệu, tư liệu, bản đồ liên quan đến quá trình hình thành di tích Thành Điện Hải; hệ thống trình diễn sa bàn 3D về lịch sử, địa thế Thành Điện Hải, có kết hợp sử dụng âm thanh, ánh sáng; xây dựng phim 3D về lịch sử hình thành kiến trúc Thành Điện Hải.
Liên quan đến Bảo tàng Đà Nẵng đang tọa lạc nơi vùng lõi di tích, trước đó, vào tháng 5/2020, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng (trụ sở HĐND TP) để làm Bảo tàng Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng.
Hiện các đơn vị, cơ quan chức năng đang khẩn trương cải tạo tòa nhà 42 Bạch Đằng nhằm trả lại không gian vốn có cho thành Điện Hải. Theo kế hoạch, phần xây lắp khối bảo tàng xây mới và hạng mục cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng để làm Bảo tàng Đà Nẵng dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Thành Điện Hải là biểu tượng của nhân dân Đà Nẵng, ghi dấu công cuộc đánh bại các cuộc tấn công của liên quân Pháp - Tây Ban Nha (1858 -1860).
Tuy nhiên, quá trình phát triển “nóng”, di tích này đã bị xâm hại nặng nề, nhiều công trình, nhà dân xây dựng trong khu vực bảo vệ di tích. Trong đó, bảo tàng Đà Nẵng xây dựng ngay bên trong thành, tòa nhà trung tâm hành chính TP Đà Nẵng xây dựng trong phạm vi bảo vệ di tích thành Điện Hải...Tháng 12/2017, di tích thành Điện Hải được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt.