THẾ GIỚI 24H: Ukraine coi Nga ‘là mối đe dọa chính’

TPO - Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký sắc lệnh công nhận văn kiện "Khái niệm phát triển an ninh và quốc phòng" do Hội đồng An ninh quốc gia và Quốc phòng Ukraine thông qua ngày 4/3, trong đó nhân định mối đe dọa an ninh thực tế nhất với Ukraine trong trung hạn là Nga.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: AP

Theo văn kiện trên, Nga bị nghi muốn làm suy yếu nền kinh tế cũng như sự ổn định xã hội, chính trị "để tiêu diệt Ukraine" và chiếm lãnh thổ. Để làm điều này, Nga có thể sử dụng vũ lực và "chiến tranh lồng ghép". Hành động tiềm tàng tiếp theo của Nga là "gây bất ổn trong khu vực Baltic, Biển Đen, biển Caspia". 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 16/3 tuyên bố vị thế của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ không suy yếu sau khi quân đội Nga rút khỏi nước này.

Bà Zakharova nhấn mạnh quân đội Nga tại Syria hành động hoàn toàn vì lợi ích của Nga và cuộc chiến chống khủng bố. Theo người phát ngôn này, chủ đề chính trong chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tuần tới sẽ là vấn đề Syria.

Tùy viên Tổng lãnh sự quán Nga tại ở Erbil (Iraq), ông Artem Grigoryan ngày 16/3 cho biết, Nga đã cung cấp lô vũ khí đầu tiên cho người Kurd ở Iraq, gồm 5 tổ hợp phòng không ZU-23-2. Các vũ khí này được Nga chuyển giao ngày 14/3 trước sự hiện diện của nhà ngoại giao cao cấp Nga và Phó Tham mưu trưởng lực lượng dân quân người Kurd.

Ông Grigoryan được dẫn lời nói: "5 tổ hợp đã giao cho các đơn vị dân quân Kurd ở Iraq - Peshmerga. Vũ khí được bàn giao trước sự hiện diện của Đại sứ (Nga ở Iraq), Tổng Lãnh sự (Nga), cũng như Phó Tham mưu trưởng Peshmerga." 

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban bố một sắc lệnh về việc áp đặt "các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ mới" nhằm vào Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành thử hạt nhân hôm 6/1 và phóng tên lửa sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo hôm 7/2. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest ra tuyên bố nêu rõ: "Các biện pháp này phù hợp với cam kết lâu nay của chúng tôi về gây sức ép liên tục lên chính quyền Triều Tiên. Mỹ và cộng đồng quốc tế sẽ không dung thứ các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo trái phép của Triều Tiên, và chúng tôi sẽ tiếp tục khiến Triều Tiên phải trả giá cho đến khi họ tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế".

Cơ quan thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin nước này ngày 16/3 đã lên án Mỹ và Hàn Quốc đẩy tình hình đến mức "bùng nổ" bằng các hành động gây hấn.

Tuyên bố của KCNA chỉ trích cuộc tập trận Mỹ-Hàn đang diễn ra là "hành động khiêu khích đến phẩm giá của nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên và là lời tuyên chiến công khai nhằm vào Bình Nhưỡng". Tuyên bố nêu rõ: "Một khi có dấu hiệu nhỏ nhất cho thấy sự bắt đầu chiến dịch đặc biệt ngu ngốc của chúng, Quân đội Nhân dân Triều Tiên sẽ tức tốc phát động tấn công phủ đầu."

Hội đồng an ninh quốc gia Bỉ ngày 16/3 đã nhóm họp nhằm đánh giá tình hình an ninh sau khi diễn ra vụ xả súng điều tra khủng bố hôm 15/3 tại khu vực Forest ở thủ đô Brussels với một nghi can bị tiêu diệt và 4 cảnh sát bị thương. Thủ tướng Charles Michel cho biết Cơ quan phân tích các mối đe dọa (OCAM) đã đánh giá tình hình và quyết định duy trì cảnh báo an ninh ở mức 3. Điều này có nghĩa các mối đe dọa vẫn tiềm tàng và có thể xảy ra.

Nga và Ai Cập đã nhất trí nối lại giao thông hàng không giữa hai nước, vốn phải tạm ngừng sau vụ một máy bay chở khách của Nga rơi trên bầu trời Sinai của Ai Cập vào cuối tháng 10/2015 khiến 224 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Phát biểu sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tại Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh hai bên đã nhất trí nối lại các đường bay ngay khi có thể trong khi vẫn đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất cho công dân Nga.

Đêm 16/3, một chiếc máy bay của hãng hàng không Air India đã được lệnh di chuyển tới một khu vực biệt lập ở sân bay Suvarnabhumi tại Bangkok (Thái Lan) sau khi bị đe dọa có bom.

Quan chức sân bay Suvarnabhumi cho biết chuyến bay mang số hiệu AI 332 từ Delhi đáp xuống sân bay Suvarnabhumi lúc 19h10 (giờ địa phương). Ban quản lý sân bay đã tiến hành một kế hoạch khẩn cấp, sơ tán toàn bộ 231 hành khách và phi hành đoàn khỏi máy bay để rà bom. Hiện chưa rõ kết quả kiểm tra.

Một máy bay Cessna 208 Caravan của quân đội Iraq đã rơi khi bay qua khu vực đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng chiếm đóng ở gần thành phố Kirkuk (miền Bắc).

Ba thành viên phi hành đoàn đang mất tích. Chiếc máy bay trên đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên bầu trời thị trấn Hawijah, cách Kirkuk khoảng 70km về phía Tây Nam. Một cuộc tìm kiếm những người mất tích đang được tiến hành. Nguồn tin trên cho biết vụ việc trên có thể do một trục trặc kỹ thuật.

Ngày 16/3, Bộ trưởng Năng lượng Qatar kiêm Chủ tịch Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), ông Mohammed al-Sada, thông báo các nước thành viên OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt bên ngoài tổ chức này sẽ có cuộc họp vào ngày 17/4 tới nhằm ổn định giá dầu.Theo thông cáo của Bộ trưởng Sada, cuộc họp trên được tổ chức tiếp theo sau cuộc thảo luận vào tháng trước giữa Qatar, Nga, Saudi Arabia và Venezuela.