Được biết, máy bay trực thăng Nga bị bắn rơi vài giờ đồng hồ sau khi một máy bay chiến đấu Su-24 Nga bị bắn hạ gần biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Theo tờ Mirror của Anh, chiếc trực thăng gặp nạn khi đang trong hành trình tìm kiếm các phi công Nga lái chiếc Su-24 bị rơi.
Ngày 24/11, một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết Washington cho rằng máy bay chiến đấu của Nga có thể đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 giây trước khi bị bắn rơi. Quan chức này cho biết thêm Mỹ đang theo dõi sát vụ việc này và thu thập thông tin cần thiết trước khi đưa ra đánh giá cuối cùng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã triệu tập cuộc họp của Hội đồng An ninh Quốc gia của nước này vào tối ngày 24/11 để bàn về những diễn biến mới trong quan hệ với Nga. Cuộc họp được tiến hành sau khi các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay quân sự của Nga tại khu vực biên giới giữa nước này với Syria. Tham dự cuộc họp khẩn cấp còn có Thủ tướng Ahmet Davutoglu, Tư lệnh các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Hulusi Akar, Giám đốc tình báo quốc gia Hakan Fidan và một số bộ trưởng chủ chốt.
Ngày 24/11, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã quyết định hủy chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ nước này bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Ông Lavrov cho biết: “Quyết định đã được đưa ra về việc hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch vào ngày 25/11 tại Istanbul giữa các ngoại trưởng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ”.
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Ankara sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga tại khu vực gần biên giới Syria. Ông Stoltenberg bác bỏ bất kỳ ý kiến nào cho rằng vụ việc trên đã xảy ra ở bên ngoài khu vực biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ trong khi Moscow khẳng định máy bay của nước này ở trong không phận của Syria.
Những phần tử ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, ngày 24/11, đã lên tiếng cảnh báo về một vụ tấn công khủng bố giống như ở Paris sắp xảy ra tại thủ đô Moscow của Nga thông qua việc sử dụng mạng Internet không dây (wifi) công cộng sẵn có dành cho các hành khách đi tàu điện ngầm. Theo đó, mạng wifi công cộng tại hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Moscow đã vừa bị đổi tên là "Paris ngày hôm qua và Moscow ngày hôm nay".
Ngày 24/11, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến Mỹ để thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Barack Obama về cách thức đối phó với mối đe dọa từ nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Chuyến công du tới Mỹ của ông Hollande diễn ra trong bối cảnh nước Pháp vừa trải qua các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở thủ đô Paris hôm 13/11 vừa qua do những kẻ ủng hộ IS tiến hành.
Tối 24/11, đã xảy ra một vụ bắt cóc con tin tại thành phố Roubaix, vùng Nord-Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp. Nguồn tin cảnh sát cho biết: "Một giám đốc ngân hàng và một số người thân cận của ông đang bị một nhóm đối tượng có vũ trang bắt giữ làm con tin". Nguồn tin cảnh sát cũng cho hay đã có một số người bị thương.
Bộ Nội vụ Pháp hôm 24/11 cho biết, cảnh sát nước này đã tiến hành hơn 1.230 cuộc truy quét, bắt giữ 165 người và thu giữ 230 vũ khí kể từ sau loạt vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris hôm 13/11. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazenueve cho biết, trong số vũ khí bị thu giữ có cả “vũ khí chiến tranh” và số lượng vũ khí bị thu giữ này cho thấy sự hiệu quả trong các chiến dịch truy quét của cảnh sát Pháp. Theo đó, ngăn chặn số vũ khí này được sử dụng để tấn công người dân.
Pháp và Đức cùng đề xuất một nguồn quỹ 10 tỷ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư tại châu Âu. Phát biểu tại một sự kiện ở Berlin, Đức, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Emmanuel Macron cho biết: “Sáng kiến của Pháp-Đức về một nguồn quỹ chung cho các vấn đề nhập cư sẽ được trình lên Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp, bởi vì nguồn quỹ này có thể giúp Đức giải quyết làn sóng người di cư đang đổ tới và đồng thời giúp Pháp trong vấn đề an ninh. Nó có thể giúp châu Âu có thêm nhiều giải pháp, tăng thêm sự thống nhất và trách nhiệm một cách cụ thể, rõ ràng”.