THẾ GIỚI 24H: Nga – NATO bất đồng sâu sắc về Ukraine

TPO - Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã không thể vượt qua được những bất đồng sâu sắc về vấn đề Ukraine.

Thông báo được Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đưa ra sau cuộc họp cấp đại sứ Hội đồng Nga-NATO tại Brussels (Bỉ) ngày 13/7. Phát biểu với báo giới sau cuộc họp giữa đại sứ Nga và đại sứ 28 quốc gia thành viên NATO tại Brussels, ông Stoltenberg cho biết cuộc họp đã diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắn. Tuy nhiên, quan chức NATO này thông báo hai bên tiếp tục có những “bất đồng dai dẳng và sâu sắc” về vấn đề Ukraine, song không nêu rõ chi tiết.

Ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã tiến hành điện đàm, trong đó bày tỏ hy vọng tăng cường lòng tin giữa Nga và NATO.

Tuyên bố của Điện Kremlin cho biết, thảo luận về hội nghị thượng đỉnh NATO vừa diễn ra tại Warsaw từ ngày 8-9/7, ba nhà lãnh đạo đã "bày tỏ mối quan tâm chung đến việc đối thoại mang tính xây dựng cũng như có các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường lòng tin giữa Nga và NATO".

Sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Hiệp hội Luật gia châu Á - Thái Bình Dương (COLAP) ra tuyên bố kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng quyết định của Tòa Trọng tài nhằm duy trì an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực. COLAP kêu gọi tất cả các quốc gia sử dụng các chế tài của LHQ, tôn trọng nhau trên tinh thần bình đẳng về chủ quyền và quyền tự quyết. (XEM CHI TIẾT)

Trung Quốc cảnh báo các nước đối thủ chớ biến biển Đông thành “nguồn gốc chiến tranh” và đe dọa lập vùng nhận dạng phòng không ở đó, sau khi những đòi hỏi chủ quyền của nước này trên vùng biển có tầm quan trọng chiến lược bị tuyên bố là vô căn cứ. “Đừng biến biển Đông trở thành nguồn gốc chiến tranh”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố, đồng thời gọi phán quyết của Tòa “chỉ là giấy lộn”. (XEM CHI TIẾT)

Tân Thủ tướng Anh Theresa May ngày 13/7 đã có các cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp sau khi tiếp quản chức Thủ tướng Anh từ người tiền nhiệm David Cameron. Bà May cho biết đã nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande rằng chính phủ của bà cần có thời gian để chuẩn bị trước khi bắt đầu các cuộc thương lượng về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Anh sắp rời nhiệm sở David Cameron ngày 13/7 kêu gọi người kế nhiệm Theresa May duy trì quan hệ gần gũi với EU trong khi thực hiện lộ trình đưa nước Anh rời EU. Trong bài phát biểu trước Quốc hội trước khi chính thức rời vị trí Thủ tướng, ông Cameron khẳng định mối quan hệ gần gũi với EU sẽ mang lại lợi ích cho London về nhiều mặt bao gồm thương mại, hợp tác và an ninh. Ông nhấn mạnh điều quan trọng là các doanh nghiệp Anh tiếp tục "được tiếp cận thị trường đơn nhất" của EU.

Ngày 13/7, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đã đề xuất hộ tống quân sự cho các tàu thuyền qua lại trên những tuyến hàng hải nguy hiểm đến Philippines, nơi hàng chục thuyền viên đã bị các phiến quân Hồi giáo bắt cóc trong những tháng gần đây. Theo Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu, các tàu thuyền khởi hành từ Indonesia nên đi theo nhóm trên một tuyến hàng hải đã được định sẵn và cần được nhân viên quân sự đi cùng và được tàu hải quân Indonesia hộ tống.

Ngày 13/7, Israel thông báo một cửa khẩu chính giữa Gaza và Israel dự kiến sẽ được mở cửa trở lại lần đầu tiên sau 9 năm. Người phát ngôn của COGAT, một cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Israel có nhiệm vụ thực thi chính sách của chính phủ trên lãnh thổ Palestine, cho biết cửa khẩu Erez sẽ được mở cửa trở lại để cho hàng hóa đi vào Gaza từ ngày 14/7. Bước đi này được thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nhập khẩu Palestine và từ đó giúp kinh tế ở Dải Gaza phát triển.

Giới chức Pháp cho biết họ đã xác định được kẻ cầm đầu trong loạt vụ tấn công khủng bố của phiến quân Hồi giáo ngày 13/11/2015 ở thủ đô Paris và biết được rằng Abdelhamid Abaaoud, đối tượng bị cảnh sát truy lùng và tiêu diệt những ngày sau đó, có vai trò ít hơn trong vụ tấn công này. Người đứng đầu Cơ quan An ninh Nước ngoài Pháp Bernard Bajolet khẳng định: "Sự thật Abaaoud là đối tượng tham gia, nhưng y không chỉ đạo. Chúng tôi biết kẻ cầm đầu là ai song vào thời điểm này điều đó vẫn được giữ bí mật".

Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Pháp sẽ điều tàu sân bay Charles de Gaulle quay trở lại Trung Đông, đồng thời đưa thêm nhiều cố vấn quân sự tới Iraq để tham gia vào cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Ông Hollande khẳng định: "Pháp sẽ tăng cường nỗ lực của quân đội nhằm giúp đỡ phía Iraq chiếm lại thành phố Mosul (từ tay IS)". Dự kiến, hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle sẽ quay trở lại khu vực này "trong mùa Thu năm nay" để thực hiện các cuộc không kích nhằm vào IS.