THẾ GIỚI 24H: Anh, Pháp, Mỹ thúc đẩy lệnh trừng phạt Syria lên Hội đồng Bảo an

TPO - Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có thể sẽ bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa học.
Ảnh: DPA

Anh, Pháp và Mỹ đang thúc đẩy một lệnh cấm bán trực thăng cho Syria và trừng phạt 11 công dân cùng 10 thực thể của nước này có liên quan tới các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trong cuộc chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria. Tuy nhiên, gần như chắc chắn Nga sẽ phủ quyết nghị quyết này. Nhà ngoại giao giấu tên cho rằng: “Đây là động thái phản ứng đáng kể mà Hội đồng Bảo an đã cam kết tiến hành trước việc có bằng chứng sử dụng vũ khí hóa học tại Syria".

Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz - người giữ chức Chủ tịch luân phiên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cho biết tổ chức này sẽ tăng số lượng quan sát viên tại Ukraine và có thể tiếp tục gia hạn sứ mệnh phái bộ quan sát viên ở đây. Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, ông Kurz cho biết trang thiết bị kỹ thuật của các quan sát viên quốc tế đang làm việc tại Ukraine sẽ được cải thiện, đồng thời thời gian làm việc của họ sẽ được kéo dài nhằm ngăn chặn tình hình tại vùng xung đột ở các khu vực miền Đông nước này trở nên xấu đi. 

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã thông báo rút khỏi thành phố al-Bab, miền Bắc Syria, nơi đã bị lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và phe nổi dậy Syria giành được ngày 23/2. Việc nhóm khủng bố trên rút khỏi al-Bab - thành trì lớn nhất của chúng tại miền Bắc Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, diễn ra sau 100 ngày giao tranh với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân Syria trong chiến dịch Lá chắn Euphrates. Phía IS khẳng định đã giết hại 400 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ và các tay súng phiến quân. 

Tòa án quận Naha, tỉnh Okinawa vừa đưa ra phán quyết buộc chính phủ Nhật Bản phải bồi thường 30,2 tỷ yên (tương đương với 265 triệu USD) cho người dân vì tiếng ồn tại căn cứ không quân Kadena của Mỹ tại tỉnh này gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Số tiền trên là mức bồi thường lớn nhất trong lịch sử các vụ kiện về tiếng ồn của Nhật Bản. (XEM CHI TIẾT)

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhiệm Quốc Cường phản đối mạnh mẽ việc Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc. Hãng tin Tân Hoa dẫn tuyên bố của ông Nhiệm Quốc Cường cho rằng động thái như vậy của Mỹ và Hàn Quốc sẽ huỷ hoại nghiêm trọng sự cân bằng chiến lược trong khu vực và những lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc và Nga. 

Thiếu tướng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Nejat Eslen khẳng định như vậy sau khi xuất hiện các thông tin về việc Ankara có thể mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Theo vị tướng về hưu Nejat Eslen, việc Thổ Nhĩ Kỳ thiếu các hệ thống phòng không tốt đã làm nảy sinh vấn đề nghiêm trọng đối với an ninh của đất nước. Nói về năng lực tên lửa đạn đạo của những quốc gia láng giềng, tướng Eslen nhấn mạnh rằng sự hiện diện một hệ thống phòng không đủ mạnh của riêng mình đang là yêu cầu cấp thiết đối với Thổ Nhĩ Kỳ. (XEM CHI TIẾT)

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/2 đã ký quyết định thăng cấp cho một số tướng và quân nhân Nga trực tiếp và gián tiếp tham gia chiến dịch quân sự của nước này tại Syria. Theo đó, chỉ huy trưởng Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu, Trung tướng Sergei Rudskoy, cựu chỉ huy nhóm quân Nga tại Syria, Trung tướng Alexander Zhuravlev, lãnh đạo Trung tâm quốc phòng quốc gia, Trung tướng Mikhail Mizintsev, được thăng hàm Thượng tướng. (XEM CHI TIẾT)

Khoảng 30% các công ty sản xuất muốn chuyển một phần việc làm ra khỏi nước Anh do lo ngại về việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit). Điều này có thể sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế của Anh. Nhiều nhà máy cho biết họ có kế hoạch cải tổ mạnh mẽ và 1/3 doanh nghiệp được hỏi nói rằng họ sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất của mình ra nước ngoài để tăng năng suất hoặc giảm chi phí sản xuất. Trung Quốc và Ấn Độ - hai nước mà Thủ tướng Anh Theresa May muốn đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương - sẽ là những nước được hưởng lợi từ việc chuyển dịch nêu trên.

Theo Tổng hợp