Tháo dỡ 'thiên la địa võng' giữa rừng cấm Bạch Mã

TPO - Hàng nghìn chiếc bẫy thú được giăng mắc như "thiên la địa võng" giữa Vườn Quốc gia Bạch Mã, tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã được lực lượng chức xử lý, tháo dỡ.

Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong những khu vực giàu đa dạng sinh học của Việt Nam và trên thế giới. Lực lượng chức năng nơi đây hàng ngày tuần tra, túc trực, xử lý nạn săn bắt, bẫy thú rừng và khai thác lâm sản trái phép.

Theo ông Nguyễn Vũ Linh - Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã, qua áp dụng phương pháp thiết lập mục tiêu thông minh (công cụ Smart) vào tuần tra bảo vệ rừng, giám sát đa dạng sinh học và quản lý cơ sở dữ liệu, từ đầu năm đến nay, Vườn Quốc gia Bạch Mã đã thực hiện được 459 đợt tuần tra kiểm soát tại rừng.

Qua các đợt tuần tra, lực lượng chức năng đã phát hiện có 92 điểm bẫy bắt thú rừng; tháo gỡ 1.211 sợi dây bẫy thòng lọng, 254 bẫy kẹp, 15 bẫy răng cưa, 3 bẫy sập và 72 lán trại dựng trái phép trong rừng.

Các trạm kiểm lâm bảo vệ rừng thuộc Vườn Quốc gia Bạch Mã tổ chức hơn 5.000 lượt tuần tra kiểm soát tại các khu vực cửa rừng và các vị trí xung yếu trên lâm phần của đơn vị nhằm phát hiện, ngăn ngừa các hành vi xâm phạm lên tài nguyên rừng và đa dạng sinh học của Vườn.

Theo Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã Nguyễn Vũ Linh, quá trình tuần tra bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm đã lập hồ sơ 3 vụ việc, trong đó có 2 hành vi khai thác 4 cây gỗ đào rừng trái pháp luật tại tiểu khu 388; 2 vụ việc đang điều tra, xác minh.

Kiểm lâm Vườn Quốc gia Bạch Mã còn phát hiện 3 khẩu súng tự chế được giấu trong rừng, tang vật đã được bàn giao cho công an địa phương tiếp nhận, xử lý.

Trước đó, vào đầu năm nay, Vườn Quốc gia Bạch Mã ghi nhận về sự xuất hiện của nhiều loài động vật quý hiếm tại công viên quốc gia qua những hình ảnh sinh động do người dân, du khách, chuyên gia, nhân viên vườn chụp lại được.

Theo kết quả điều tra nghiên cứu, cơ quan chức năng ghi nhận ở VQG Bạch Mã có 1.728 loài thuộc 54 bộ, 266 họ. Trong đó, có 70 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam 2007, 52 loài có tên trong Danh lục IUCN năm 2016 và 15 loài đặc hữu. Trong đó, các nhà khoa học đã điều tra và phát hiện 14 loài mới cho khoa học ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và đặt tên theo địa danh nơi đây.

Đáng chú ý, trong hai lần đặt bẫy ảnh (thời gian 5 năm trở lại đây), trên địa bàn Vườn ghi nhận có 47 loài, nhóm loài thú và chim sống trên mặt đất. Bên cạnh còn có các loài quý hiếm như cầy vòi hương, rùa hộp trán vàng miền Trung, khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, trĩ sao, sơn dương…

Vườn Quốc gia Bạch Mã có diện tích tự nhiên hơn 37.423ha, thuộc địa giới hành chính 15 xã, thị trấn của 3 huyện Phú Lộc, Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) và Đông Giang (Quảng Nam).