Thân phận ngư dân lỡ bước ở nước ngoài

TP - Mỗi năm Indonesia bị thiệt hại 3-5 tỷ USD vì nạn đánh bắt trộm, nên rất quyết liệt bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngư dân trên bến cảng Natuna chờ lên tàu trao trả.

Đánh đắm tàu vi phạm

Tổng thống Indonesia Joko Widodo lên cầm quyền từ tháng 10/2014, bổ nhiệm bà Susi Pudjiastuti làm Bộ trưởng Bộ Biển và nghề cá. Tổng thống cũng ký quyết định thành lập đội đặc nhiệm, cho phép làm nổ tung bất kỳ tàu cá nước ngoài nào đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển Indonesia (đánh chìm tàu, sau khi tạm giữ, xử lý những người trên tàu). Bà Susi nhanh chóng trở thành người hùng trong mắt dân chúng Indonesia. Tàu bè nước ngoài xâm nhập hải phận Indonesia bị bắt giữ ngay lập tức. Thuyền trưởng và máy trưởng bị đưa ra tòa xét xử, án nặng có thể lên đến 6 năm tù. Thuyền viên, ngư dân bị tạm giữ trong các trại địa phương vài ba tháng, cũng có khi đến gần một năm mới được thả. Những con tàu được gom lại, thỉnh thoảng mang ra biển, gài thuốc nổ vào, đánh chìm. Dịp kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 71 vào ngày 17/8, Indonesia thông báo từ rất sớm là sẽ cho nổ tung 71 tàu nước ngoài vi phạm.

Ngư dân đi biển, đã thành tập quán, thời trước chẳng cần la bàn, đi xa có khi sang lẫn vùng biển của nhau, mà bây giờ gọi là vùng đặc quyền kinh tế. Nhưng một khi phân định rõ ràng vùng đặc quyền kinh tế thì đi quá một chút là vào vùng biển láng giềng. Ngay trong số 400.000-500.000 ngư dân Indonesia đi sang vùng biển nước khác thì một nửa trong số đó cũng thuộc diện không hề xin phép. Việc đánh chìm tàu, nhiều năm trước Indonesia thỉnh thoảng cũng đã làm nhưng không tuyên truyền như thời Tổng thống Widodo. Ông phó tổng biên tập báo Jakarta Globe nói với tôi: Đánh chìm tàu cá nước ngoài chỉ được lòng người bình dân, còn giới trung lưu và trí thức thì không đồng tình. Họ cho rằng đấy chỉ là chủ nghĩa dân tộc, trong khi điều mà Indonesia cần là giữ gìn hình ảnh một thành viên lớn và quan trọng của ASEAN.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn (ở giữa, đeo kính) gặp ngư dân trước ngày trao trả.

Những con tàu vi phạm bị nổ tung khiến dân chúng tấm tắc tụng ca biện pháp mạnh của bà bộ trưởng. Hệ thống thông tin đại chúng đưa tin về nhân thân bà Susi: tốt nghiệp phổ thông, không vào đại học mà vào ngay trường đời, là chủ của mấy công ty nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá, có cả hãng vận tải hàng không.

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng cũng tiếp cận được bà Susi, không phải một lần mà nhiều lần. Ông đại sứ đề nghị mỗi khi đánh chìm tàu cá vi phạm, Indonesia không thông báo về quốc tịch của tàu, thông báo có thể làm tổn thương các nước láng giềng, cũng chẳng thuận cho quan hệ của Indonesia với các nước. Bà Susi đồng ý, đồng thời tiếp nhận đề nghị của Việt Nam là tiếp tục đối xử nhân đạo với ngư dân bị bắt, sẽ cân nhắc hợp tác nuôi trồng và chế biến thủy sản. Chính phủ Indonesia không chủ trương tiết lộ quốc tịch của những tàu bị đánh chìm, nhưng nhiều khi báo chí nước này vẫn lấy được thông tin để giật tít, gây chú ý. Một số nước có tàu bị đánh chìm thường được báo chí điểm danh: Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam… Ngư dân Myanmar thì bị bắt khi đi đánh cá thuê cho tàu các nước khác. Báo chí có khi còn đưa tin Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta răn đe không được nêu tên tàu Trung Quốc. Chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2016 đã xảy ra ba vụ va chạm và phía Trung Quốc, dù công nhận đảo Natuna của Indonesia không phải là vùng tranh chấp, nhưng vẫn ngang nhiên nói đấy là ngư trường truyền thống của Trung Quốc.

Vòng luẩn quẩn

Ngư dân Việt Nam cũng như của các nước, bị bắt ở đâu thì thường bị giam giữ ngay tại đấy. Đất nước hơn 17.000 hòn đảo, từ cực tây bay sang cực đông mất 13 tiếng, gấp đôi thời gian từ tây sang đông nước Mỹ. Vậy ngư dân bị bắt cũng rải rác khắp quần đảo, có nhóm khi được thả phải đi một chặng tàu biển sang hòn đảo lớn, rồi phải đổi máy bay hai lần mới về đến thủ đô Jakarta, từ đấy lại bay tiếp ba giờ nữa để về TPHCM. Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, ông Hoàng Anh Tuấn, nhiều lần đi thăm ngư dân ở trại xa, tận mắt thấy trại quang đãng, sạch sẽ, ngư dân ta tự do đi lại trong trại, được sử dụng điện thoại di động để liên lạc thường xuyên với gia đình.

Đời sống của ngư dân trong các trại tạm giữ cũng tương đối bình thường. Tháng Ramadan của người Hồi giáo, người theo đạo Hồi nhịn ăn uống từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Ramadan 2016 kéo dài từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 7. Đại sứ quán Việt Nam làm công hàm gửi đến các trại, đề nghị cho ngư dân Việt Nam được giữ nếp ăn uống bình thường. Lý do là người không theo Hồi giáo hầu như không quen với việc bỏ bữa, việc nhịn ăn suốt ngày, triền miên trong một tháng có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của họ.

Ngư dân bị bắt phần nhiều là người Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Cà Mau, Hậu Giang, Bến Tre, Quảng Trị, Thanh Hóa... Người nghèo, đi làm thuê cho chủ tàu, chuẩn bị ra khơi xa, có khi được báo trước vài ngày, cũng có khi tình cờ ở gần bến, được ới một câu là lên tàu, đi luôn. Tưởng đâu đi đánh cá một chuyến dăm bảy ngày, nhưng tàu bị bắt, thành ra vào trại luôn mấy tháng, thuyền trưởng có khi ở trại luôn mấy năm. Ngư dân bị giữ vài tháng, được thả về, chuyến sau lại lên tàu khác đi làm thuê, ra khơi lại bị bắt, cứ thế một cái vòng luẩn quẩn. Phận làm thuê khi việc đến tay thì đâu có được lựa chọn.

Một trong ba tàu Indonesia trao trả ngư dân Việt Nam.

Vào trại, bỗng nhiên bị giữ ở một nơi xa lạ, giám thị nói gì mình không hiểu. Không biết thời hạn giam giữ là bao lâu, lẩn thẩn nghĩ có thể phải ở lại đây vô thời hạn, đến hết đời. Gọi điện về gia đình thì làng chài lưới cũng chẳng biết thông tin gì hơn. Chủ tàu có người giũ luôn trách nhiệm, coi như sống chết mặc bay. Anh chị em, người thân thích có khi quá nghèo, chẳng giúp được gì, coi như buông xuôi. Chính quyền địa phương phải làm việc với Quỹ Bảo hộ công dân, lo thủ tục đưa ngư dân về nước. Ngày ra trại mừng quá, bay về đến Jakarta, được cán bộ Đại sứ quán ra tiếp nhận. Mỗi người được phát một cái áo hoa văn batik kiểu Indonesia (nhờ Quỹ Bảo hộ công dân). Từ những trại khác nhau ra, mỗi người ăn mặc một kiểu, chiếc áo batik sẽ khiến anh em trông đàng hoàng hơn khi lên máy bay. Ngân quỹ eo hẹp, không thể đưa ngư dân vào những quán ăn trong sân bay, đắt hơn nhiều so với quán bên ngoài. Vậy là cán bộ lãnh sự của Đại sứ quán lại phải mua hàng chục suất ăn từ trong thành phố, mang ra sân bay cho anh em có ngay bữa trưa trong khi chờ đợi.

Hy vọng

Trao trả ngư dân trên biển là sáng kiến của bà Susi. Ngư dân được trao trả cũng chỉ thuộc các trại do bộ của bà quản lý, không có ngư dân do hải quân tạm giữ. Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam do Đại sứ Hoàng Anh Tuấn hóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú ở Jakarta. Đoàn bay từ Jakarta đến thành phố Batam đối diện Singapore qua eo biển, rồi bay tiếp ra quần đảo Natuna của Indonesia. Từ đó đi tàu cao tốc thêm ba tiếng ra đến tọa độ trao trả.

Một tàu kiểm ngư Việt Nam đồ sộ đi trong cơn bão số 4, sau hai ngày trời mới tiến vào vùng biển Indonesia. Ba con tàu của Indonesia nhỏ hơn, chở 228 ngư dân tiếp cận tàu ta lúc gần năm giờ sáng. Xuồng chở từng nhóm ngư dân qua lại giữa những con tàu. Sóng gió bão bùng, một nhân viên Indonesia và hai ngư dân ta rơi xuống biển, rất may là được cứu kịp thời. Tàu ta tiếp nhận đầy đủ ngư dân, lại phải thêm hai ngày nữa, trưa 16/9 mới về đến Vũng Tàu. Được tin tàu về cảng an toàn, Đại sứ quán thở phào nhẹ nhõm.

Nghe đâu tổng chi phí cho một chuyến tàu như vậy là hơn 4 tỷ đồng, trong khi phần của Quỹ Bảo hộ công dân chỉ có 1,6 tỷ đồng. Trao trả trên biển được giản tiện khâu làm giấy thông hành cho ngư dân, thường là rất mất thời gian và công sức khi phải gửi thông tin qua lại giữa Đại sứ quán và các trại giam, bao gồm lai lịch cá nhân, ảnh ngư dân và những số liệu khác... Tuy nhiên, nếu hình thức này được tiếp tục, có thể sẽ thực hiện ở một bến cảng nào đó, an toàn hơn, mặc dù thủ tục lãnh sự phức tạp hơn chút ít. Mong rằng sẽ không còn phải thực hiện những đợt trao trả ngư dân giữa hai nước, dù là bằng đường biển hay đường không. 

Người nghèo, đi làm thuê cho chủ tàu, chuẩn bị ra khơi xa, có khi được báo trước vài ngày, cũng có khi tình cờ ở gần bến, được ới một câu là lên tàu, đi luôn. Tưởng đâu đi đánh cá một chuyến dăm bảy ngày, nhưng tàu bị bắt, thành ra vào trại luôn mấy tháng, thuyền trưởng có khi ở trại luôn mấy năm.