Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu khi ấy vẫn còn minh mẫn lắm. Ông tâm sự: “Tôi bây giờ không thể nhanh chân thay đồ, đi ra quán cà phê gặp gỡ bạn bè, anh chị em nhà báo được nữa. Tôi cũng từ chối nhiều kênh truyền hình đến ghi hình vì sức khỏe của tôi không còn được dồi dào như trước”.
Vợ nhạc sĩ bị tai biến mạch máu não hiện đang nằm một chỗ. Vợ chồng ông sống chung với 2 người con. Ông kể: “Tôi gặp vợ trong kháng chiến. Khi ấy tôi dạy nhạc ở Quảng Ngãi. Vợ là học sinh. Chuyện tình yêu của người lính trong chiến tranh thì không lãng mạn đâu. Thời kỳ bom đạn mà. Vợ chồng tôi chỉ làm lễ cúng ông bà, liên hoan nồi chè mời mọi người. Sau này hòa bình thống nhất, tôi mới có tiền để mua tặng vợ chiếc nhẫn cưới. Năm lấy bà ấy, tôi mới 26 tuổi”.
Nhạc sĩ cũng cho biết mấy năm trở lại đây công việc bản quyền tác phẩm âm nhạc được bảo vệ, mỗi nghệ sĩ đều được nhận một khoản tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng tiền tác quyền. Khoản tiền này thực sự rất có ý nghĩa đối với ông. Thế nhưng, để có tiền ra album mới, cho những sáng tác mới, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói: “Tối thiểu vẫn cần có 100 triệu đồng để đầu tư cho album, mời ca sĩ hát... nhưng hiện nay tôi vẫn chưa tìm được nhà tài trợ để hợp tác với tôi trong dự án này”.
Ông vẫn yêu âm nhạc, yêu cuộc sống, và thường xuyên ngồi viết nhật ký. Nghĩ đến đâu, nhớ đến đâu, ông viết đến đó. Thi thoảng ông đi khám bệnh và được các bác sĩ hết sức ưu ái khi biết ông là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, tác giả của những ca khúc sống mãi một thời.
Nhạc sĩ tâm tình: “Bố mẹ tôi là người có hiểu biết về nho học, nên bố đặt tên cho tôi là Huỳnh Điểu. Chữ Huỳnh không phải là họ Huỳnh, mà có nghĩa là vàng, Điểu là chim bố mẹ mong tôi là một con chim vàng!”
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tâm sự: “Tôi viết ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao tại BV đông y ở Hà Nội. Tôi ở chiến trường ra và bị sốt rét, rất gầy gò, ốm yếu. Khi tôi nhập viện, bệnh nhân đông lắm. Phòng chỉ có 8 cái giường. Tôi được ưu tiên nằm giữa. Được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y bác sĩ, một thời gian sau, tôi khỏe lại. Lúc nằm trên giường bệnh, tôi có đọc bài thơ của Dương Hương Ly, nói về tình yêu. Bài thơ hay quá, tôi ngồi viết thành nhạc”.
Rồi NSND Quốc Hương vào thăm nhạc sĩ. Khi ông cho Quốc Hương xem lời và nốt nhạc, Quốc Hương đã mang về nhà hát thử. Sau 1 tuần, nghệ sĩ Quốc Hương vào BV, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đệm ghi ta cho ông hát. Cả BV hôm ấy như có một bữa tiệc nhỏ. Và lúc ấy, Quốc Hương đã ở lại dùng cơm với ông và tập thể bác sĩ của BV cùng nhiều bệnh nhân khác. Ca khúc Cuộc đời vẫn đẹp sao là tinh thần lạc quan va hạnh phúc của nhạc sĩ khi thoát khỏi cơn sốt rét ác liệt, tưởng chừng không qua khỏi!
Với ca khúc Bóng cây k'nia cũng vậy. Ông nhận được tập thơ của Ngọc Anh trong đó có bài thơ Bóng cây K'nia, khi ấy là năm 1959. Lúc ấy nhà thơ Ngọc Anh còn trẻ lắm, mới hơn 20 tuổi. Sau đó nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có phổ nhạc bài thơ đó, nhưng chưa ra “mùi” Tây Nguyên. Ông đành xếp lại bài thơ và những nốt nhạc ấy. Năm 1964, ông đi chiến trường B, về sống với Tây Nguyên. Đó là thời điểm ông ăn cơm gạo của Tây Nguyên, nghe nhạc Tây Nguyên, sinh hoạt với con người Tây Nguyên. Chất Tây Nguyên thấm đẫm trong hơi thở cuộc sống của ông. Đến năm 1970, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu ra miền Bắc chữa bệnh, khi đó cô sinh viên Măng Thị Hội, trường nhạc đến tìm và nói cần một ca khúc về Tây Nguyên để thi tốt nghiệp. Lúc đó, nhạc sĩ mới phổ lại bài thơ Bóng cây K'nia và Măng Thị Hội đã thể hiện thành công ca khúc trong sự trầm trồ khen ngợi của ban giám khảo.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chia sẻ: “Sau này có nhiều ca sĩ thể hiện khá tốt ca khúc Bóng cây K'nia của tôi, nhưng Măng Thị Hội vẫn là ca sĩ thể hiện xuất sắc và đậm hồn Tây Nguyên hơn ca”.
Ở mùa xuân thứ 91, nhạc sĩ vẫn không dừng sáng tác. Nhưng cảm xúc về âm nhạc vẫn còn đầy những rung động thiết tha với cuộc đời, con người. Vì thế, ông mong sao mình tiếp tục là “con chim vàng” hot lên những khúc hát bất tử với thời gian!
NGHE CA KHÚC 'THUYỀN VÀ BIỂN'
Nhạc: Phan Huỳnh Điểu
Lời thơ: Xuân Quỳnh