Tài “bói toán” của giáo sư Trần Văn Khê

TP - Tôi may mắn được gặp GS Trần Văn Khê nhiều lần, từ khi ông về nước. Ban đầu, khi xin gặp ông, tôi cứ nghĩ gặp một giáo sư khả kính, danh tiếng thế giới từng là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc của UNESCO… thì sẽ rất khó. 
GS Trần Văn Khê thông thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc

Tuy nhiên, chỉ thông qua cô tiếp tân khách sạn Sài Gòn (khi về nước năm 2004 ông được bố trí ở khách sạn này) nhắn lại, ông đã gọi điện thoại lại hẹn gặp tôi. Đó là thời điểm tháng 8/2005. Tôi gặp ông với mong muốn được trao đổi về ký ức của những ngày Cách mạng tháng 8/1945.

Ông tiếp tôi trong căn phòng nhỏ của khách sạn, không có gì nhiều ngoài sách vở. Ông bảo khi về nước, đem về toàn bộ sách vở, tư liệu của bao năm nghiên cứu về âm nhạc, văn hóa dân tộc Việt. Chỉ sách vở, băng đĩa thôi mà cũng đến hơn 460 kiện hàng. Ông hào hứng kể về ký ức của những ngày cách mạng không bao giờ quên, từ chuyện cùng bạn bè thành lập ban tuyên truyền lưu động Nam bộ đi khắp miền Nam quyên góp cho cách mạng tới chuyện dàn dựng, hát những ca khúc cổ động của nhạc sỹ Lưu Hữu Phước.

Chỉ gặp tôi lần đó nhưng ông đã nhớ tên, quen mặt. Những lần sau, dù tôi chưa tự giới thiệu ông đã gọi đúng tên và ân cần hỏi han. Ở đêm nhạc của nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý tại khách sạn Sofitel, ông bảo: “Tôi đã từng nghe bài Dáng đứng Bến Tre khi còn ở nước ngoài và thật bất ngờ khi biết nhạc sỹ sáng tác bài này lại là người sinh trưởng ở miền ngoài, vậy mà ca từ, giai điệu lại như của một người sinh ra và sống trên mảnh đất Bến Tre. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc như được nghe một cô gái Đồng bằng sông Cửu Long hát quan họ hay một chàng trai Hà Nội hát đờn ca tài tử Nam bộ, điều đó thể hiện đất nước ta thống nhất không chỉ về địa lý, về pháp lý, nhân chủng mà còn trong tình cảm văn hóa”.

Hay như lần tham gia diễn thuyết về đề tài “Nét hài hòa trong ẩm thực Việt Nam”, ông đã hào hứng gọi các phóng viên tới, minh họa bằng chính món gỏi cuốn đầy tự hào hương vị Việt. Khi còn ở nước ngoài, ông từng đi nói chuyện nhiều nơi về văn hóa ẩm thực của người Việt và cho rằng, ẩm thực của người Việt đã trở thành một môn nghệ thuật cần phải quảng bá, nâng tầm cao mới.

Nhớ lần khi ông được cấp căn nhà ở số 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TPHCM) vào đầu năm 2006, dịp Tết đó tôi tới nhà chúc thọ ông. Ông vui vẻ trò chuyện về những dự án sẽ làm tại ngôi nhà mới này như nói chuyện chuyên đề, giao lưu về nghệ thuật âm nhạc dân tộc, biến ngôi nhà thành nơi lưu trữ, trưng bày về âm nhạc dân tộc.

Thời điểm đó, cồng chiêng Tây Nguyên vừa trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ông cho rằng, thời gian tới, những di sản âm nhạc khác của người Việt như ca trù, đờn ca tài tử, quan họ cũng sẽ sớm được UNESCO công nhận vì những giá trị không thể phủ nhận của những môn nghệ thuật này. Và quả đúng như ông tiên đoán, những loại hình nghệ thuật âm nhạc này đều đã được công nhận vào những năm sau đó.

Khi đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tôi gọi điện thoại để trao đổi với ông, nhưng chỉ có người giúp việc nghe máy và thông báo rằng ông bệnh nặng, đang điều trị trong bệnh viện. Vậy mà chỉ một lát sau, ông đã gọi cho tôi, nói là “bác sỹ không cho tôi nghe điện thoại, nhưng khi biết tin đó tôi rất vui, cảm giác khoẻ lên rất nhiều và muốn gọi tới để chia sẻ”.

Ông nói về niềm vui khi đờn ca tài tử được thế giới công nhận. Ông nói rằng, sự kiện này cho thấy thế giới đánh giá rất cao loại hình âm nhạc đờn ca tài tử của miền đất phương Nam và chứng tỏ sức sống của văn hóa truyền thống đang hòa vào dòng chảy văn hóa nhân loại.

GS Trần Văn Khê năm 2014
Lần cuối cùng tôi gặp GS Trần Văn Khê có lẽ là tại cuộc họp báo cuộc thi Hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức cuối năm 2014. Thời điểm này, sức khỏe ông đã kém rồi, nhưng nghe tin lần đầu tiên cuộc thi nhan sắc có uy tín hàng đầu Việt Nam sẽ tổ chức vòng thi chung khảo phía Nam tại Bạc Liêu, cái nôi của đờn ca tài tử, ông rất vui mừng. Tại cuộc họp báo, ông nói: “Áo dài là trang phục bên ngoài, còn đờn ca tài tử là nội dung bên trong. Tổng hòa những điều đó sẽ là nét đẹp của người đẹp, là văn hóa của miền Nam nước Việt”.