Sự sống kỳ diệu đó là cả một hành trình chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 3 tháng trời của các bác sĩ Trung tâm Chăm sóc sinh non - Bệnh viện Phụ sản Trung ương… Nói như Giáo sư Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế, đó là một kỳ tích của công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sinh non ở Việt Nam.
Hành trình 93 ngày
Giang Thiên Ân (bé trai) và Giang Thiên Bảo (bé gái) đang ngủ ngon lành trong vòng tay của bố mẹ. Mỗi bé bây giờ đã đạt được cân nặng gấp 5 lần lúc chào đời, bé trai 2,25kg và bé gái 2,35kg, có thể tự bú bình và hoạt động như những đứa trẻ bình thường khác. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sinh non - Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã kể lại hành trình chăm sóc, nuôi dưỡng hai bé.
Giọng ông không giấu nổi xúc động: Mới chỉ 24 tuần tuổi hai bé đã chào đời; cân nặng 500 gam và 600 gam; trong tình trạng suy hô hấp nặng, nhịp tim rời rạc, thở nấc và phản xạ rất yếu". Đây là lần sinh thứ 2 của chị Hồ Thị Hải Yến (Thái Bình), sinh con theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Chỉ 5 phút sau khi sinh, các bác sĩ đã chuyển hai bé xuống Trung tâm theo dõi.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, giám sát chặt chẽ tình trạng hô hấp, tim mạch, các chỉ số trong máu và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn trong 2 ngày đầu.
"Với những trẻ sơ sinh như các bé này, phổi chưa hoàn thiện, vì vậy các bé có thể quên thở và các điều dưỡng phải theo dõi bé tính bằng giây. Nếu suy hô hấp quá 18 giây sẽ không cứu được, nhưng hai bé này lần quên thở nhiều nhất cũng chỉ 15 giây. 18 giây ngắn ngủi nhưng với các bé đó là 18 giây cuộc đời. Việc cứu sống hai bé Thiên Ân và Thiên Bảo là một thành công trong công tác chăm sóc và hồi sức trẻ sinh non ở Việt Nam" - bác sĩ Lợi cho biết.
Đó là một hành trình chăm sóc đặc biệt hơn 3 tháng trời của các bác sĩ ở Trung tâm. Để nuôi dưỡng Thiên Ân và Thiên Bảo là cả một quá trình. Bắt đầu từ 1ml sữa, phải sử dụng bơm điện, truyền từng giọt trong 3 giờ, 8 lần một ngày như thế. Đến ngày thứ 3 mới nhích lên 2ml sữa. Lượng sữa cứ tăng dần, đến ngày thứ 12, cân nặng của các bé đã trở lại bằng lúc sinh. Đến bây giờ, các bé đã có thể tự ăn được 60ml sữa và cân nặng đã gấp 5 lần lúc chào đời. Các chỉ số về thính lực, thị lực, tình trạng phổi đều như trẻ bình thường.
Bác sĩ Lợi cho biết thêm: "Đây cũng là một nỗ lực của các bác sĩ bởi vì với những trẻ sinh non tháng như hai bé, chỉ số tối ưu quay trở lại trọng lượng lúc sinh là 18 ngày, cộng, trừ 2 ngày sau sinh".
Thực tế, trên thế giới không có nhiều trường hợp trẻ sinh non dưới 1kg và chi phí nuôi dưỡng rất tốn kém. Chính một bác sĩ người Pháp từng sang Việt Nam, khi đi thăm Trung tâm nuôi dưỡng trẻ sinh non đã ngạc nhiên nói rằng, ở Pháp, thỉnh thoảng họ mới có một vài trường hợp sinh non cân nặng 1kg. Và đánh giá rất cao việc nuôi dưỡng, chăm sóc của các bác sĩ Việt Nam.
Ông Nguyễn Viết Tiến- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, càng ngày tỷ lệ sinh non ở Việt Nam càng tăng. Do nhiều phụ nữ không có khả năng mang thai và nhờ can thiệp của y học. Việc mang thai khó khăn nên việc nuôi dưỡng trẻ sinh non là một mong mỏi của nhiều gia đình.
Hiện nay, các bệnh viện tuyến đã có thể nuôi dưỡng trẻ sinh non ở tuần 26-27. Ông cũng đánh giá cao việc Trung tâm nuôi dưỡng hai bé sinh non tháng nhất từ trước đến nay: "Quá trình nuôi dưỡng không phụ thuộc nhiều vào sự can thiệp của máy móc, các bé đã được nuôi bằng sữa mẹ ngay phút đầu tiên sinh ra. Các bé sinh non thường gặp nhiều vấn đề về mắt do bong võng mạc, hoặc bị điếc, chậm phát triển trí tuệ. Nhưng hai bé qua kiểm tra xác định hoàn toàn bình thường. Đó là nhờ việc điều trị dự phòng cho bà mẹ sinh non đã được chú ý. Thành công đó cũng nhờ sự phối kết hợp của nhiều chuyên khoa. Nếu như trước đây, phải mời các bác sĩ chuyên khoa mắt, hô hấp… ở các bệnh viện khác thì hiện nay, Bệnh viện Phụ sản đã có nhân lực tại chỗ để chủ động xử lý các vấn đề về sức khỏe cho các bé. Điều đó cũng giảm thiểu sự rủi ro do phải di chuyển từ bệnh viện này qua bệnh viện khác".
Với bố mẹ Thiên Ân, Thiên Bảo thì hành trình 3 tháng trời là những ngày phấp phỏng chờ đợi. Chị Hồ Thị Hải Yến không cầm được nước mắt: "Từ lúc sinh các con ra, ngày nào tôi cũng khóc, ngày trước khóc vì lo âu, còn bây giờ khóc vì hạnh phúc".
Bảy năm trước, chị Yến đã nhờ y học can thiệp để có con trai đầu lòng. Khi con trai được 4 tuổi, chị muốn sinh thêm bé thứ hai nhưng không có hy vọng. Chị quyết định lên Hà Nội và lựa chọn phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. May mắn, chị mang thai song sinh. Nhưng ngày 25 tháng 11 năm 2014, chị bị đau bụng và suýt bị sinh non khi song thai mới hơn 4 tháng rưỡi. Các bác sĩ cố giữ nhưng chỉ được 10 ngày.
"Cả gia đình tôi chờ đợi từng giây, từng phút để giữ thai, bởi nếu sinh lúc này, các cháu còn quá bé, cơ hội sống sót rất thấp. Nhưng đến ngày 5/12, tôi sinh thường 2 cháu bé Thiên Ân và Thiên Bảo, tuổi thai mới chỉ 23 tuần 6 ngày" - chị Yến tâm sự.
Đứng bên cạnh chị Yến, chồng chị không giấu nổi niềm vui, chia sẻ với chúng tôi: "Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ cảm giác của từng ngày trôi qua như thế nào trong chờ đợi. Nhưng tôi và vợ tôi chưa bao giờ tuyệt vọng. Lúc chuyển vợ sang phòng đẻ, tuổi thai còn nhỏ, chúng tôi không còn hy vọng gì nữa. Tôi tự trấn an vợ, con cái là của trời cho. Rồi khi vợ sinh xong, tôi là người đầu tiên được vào nhìn con. Tôi chỉ biết khóc và đi ra.
Những ngày chờ đợi mỏi mòn, cứ qua một giờ lại thêm một chút hy vọng. Khi các bé qua được ngưỡng 15 ngày, các bác sĩ đã động viên chúng tôi. Thêm một tia hy vọng. Có lẽ, tôi không thể tả được cảm xúc trôi qua từng ngày. Đến bây giờ ký ức về những lần vào thăm con, tôi vẫn không quên được. Nó thực sự ám ảnh. Chính bác sĩ cũng khuyên vợ tôi không nên vào vì rất dễ bị sốc". Và cứ thế, từng giây, từng phút, rồi từng ngày qua đi, Thiên Ân và Thiên Bảo đã được trở về với bố mẹ như những đứa trẻ bình thường khác.
Có thể phía trước sẽ là một hành trình gian nan, vất vả, nhưng với vợ chồng chị Yến thì những ngày đau khổ nhất đã qua. Và anh chị tin, bằng tâm linh, như cách họ chọn tên để đặt cho các con của mình, Giang Thiên Ân và Giang Thiên Bảo, đó là món quà của ông trời ban cho.
Giáo sư Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế
Đây là một thành tựu khoa học, một kỳ tích mà công tác chăm sóc trẻ sinh non Việt Nam đạt được. Để có được thành công này, chúng tôi đã chuẩn bị trong suốt 10 năm qua, về máy móc, nguồn nhân lực. Hiện nay, các trung tâm y khoa tiên tiến trên thế giới đã nuôi thành công trẻ sinh non ở tuần 22, như vậy Việt Nam đã có bước tiệm cận với thế giới. Trong tương lai, chúng tôi sẽ nỗ lực để nuôi được những em bé ở tuần 23, trọng lượng sơ sinh 400 gam.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lợi - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sinh non - Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Để có được thành công hôm nay là nhờ sự quan tâm, cung cấp nhân lực và trang thiết bị của Bộ Y tế, lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đây là một công lao và tâm huyết của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Việt Tiến, ông đã cùng chúng tôi sang tận trung tâm lớn nhất về sơ sinh của Mỹ để học hỏi.
Chúng tôi muốn giới thiệu với mọi người về thành công này không phải vì thành tích, mà trong tương lai gần, chúng tôi mong muốn sẽ nuôi được những cháu bé 22, 23 tuần với cân nặng chỉ 400 gam.
Và hy vọng sẽ có nhiều bệnh viện trong nước có thể làm được điều này, bởi chúng tôi không phải sử dụng những phương tiện máy móc hiện đại mà vẫn thành công. Đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố, đặc biệt là yếu tố con người. Phải yêu, phải dấn thân, chúng ta mới có thành quả.